Alex Lagetko, nhà sáng lập quỹ phòng hộ VSO Capital Management ở New York, cho biết cổ phần của ông trong Tesla trị giá 46 triệu USD vào tháng 11/2021, khi cổ phiếu của hãng ôtô điện đạt đỉnh 415 USD. Hơn một năm sau, ở thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu chỉ còn khoảng 1/3.
Nguyên nhân là các nhà đầu tư lo ngại về nhu cầu ôtô suy giảm, cạnh tranh từ Trung Quốc, tình trạng thiếu lao động ở châu Âu và tác động lâu dài của việc Elon Musk mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD.
Trong số đó, khoảng 23 tỷ USD được tỷ phú huy động bằng cách bán cổ phần của Tesla. Các chuyên gia dự đoán sếp Tesla và Twitter có thể sẽ tiếp tục bán cổ phần Tesla khi khoản vay để mua Twitter đến kỳ trả lãi.
“Nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà bán lẻ, những người đã đầu tư một lượng tài sản lớn dựa trên niềm tin vào Musk, đã hứng chịu thiệt hại do giá cổ phiếu Tesla giảm trong những tháng sau thương vụ Twitter”, Lagetko nói.
Tesla mất dần khả năng cạnh tranh
Từ trước thương vụ Twitter vào tháng 4/2022, cổ phiếu Tesla đã trên đà sụt giảm. Các nhà phân tích nói rằng Tesla và Giám đốc điều hành của công ty đã xa lánh những khách hàng cốt lõi, chậm đổi mới thiết kế và bán xe với giá thành cao, khó cạnh tranh với các nhà sản xuất ôtô lâu đời.
Trước năm 2020, Tesla gặt hái thành công nhờ đấu với các đội hạng B từ các hãng ôtô khác, nhưng sau đó bắt đầu gặp khó khăn khi các đối thủ bắt đầu tung ra các đội hạng A, Matthias Schmidt, nhà phân tích độc lập ở Berlin chuyên theo dõi doanh số bán ôtô điện ở châu Âu, cho biết.
Vào năm 2023, Tesla sẽ ra mắt chiếc Cybertruck được chờ đợi từ lâu. Đây là chiếc SUV góc cạnh, vuông vức được công bố lần đầu tiên vào năm 2019. Đây sẽ là lần đầu tiên công ty ra mắt xe mới kể từ năm 2020. Tesla cũng hứa hẹn ra mắt xe thể thao hai chỗ, nhưng phải nhiều năm nữa sản phẩm này mới ra thị trường, Mark Barrott, nhà phân tích ôtô tại công ty tư vấn Plante Moran, cho biết.
Trong khi đó, Model S, X, Y và 3, từng được coi là động lực của Tesla, giờ đã “hết thời”. Hầu hết công ty ôtô làm mới diện mạo sản phẩm sau 3-5 năm, trong khi Model S của Tesla hiện đã hơn 10 năm tuổi.
Ngược lại, năm nay Ford có kế hoạch tăng cường sản xuất cả xe bán tải F-150 Lighting EV, đã bị đặt hàng hết sản lượng năm 2023, và chiếc SUV Mustang Mach-E.
Ưu đãi giá từ Hyundai đối với các mẫu xe IONIQ 5 và Kia EV6, đưa mức giá về khoảng 45.000-65.000 USD, có thể đe dọa Model Y và Model 3 của Tesla. General Motors cũng có kế hoạch tăng sản lượng và giảm giá một loạt mẫu xe điện, bao gồm Chevy Blazer EV, Chevy Equinox, Cadillac Lyric và GMC Sierra EV.
Mặc dù các thiết kế của Tesla có thể bắt mắt, nhưng có mức giá cao và do đó thường bị đem ra so sánh với các thương hiệu xa xỉ. “Khi yêu cầu khách hàng trả 70.000-100.000 USD cho một chiếc ôtô, Tesla phải cạnh tranh với một chiếc Mercedes hoặc BMW chạy điện", chuyên gia phân tích thị trường xe điện Mỹ David Welch cho biết.
Vẫn ít nhà sản xuất có thể cạnh tranh với Tesla về hiệu suất và phần mềm, nhưng nhiều đối thủ đang đạt đến phạm vi di chuyển 480 km cho một lần sạc, và đây là yếu tố quan trọng nhất với nhiều người dùng xe điện, theo Craig Lawrence, đồng sáng lập tập đoàn đầu tư Energy Transition Ventures.
Mạng lưới trạm sạc là một trong những lợi thế của Tesla ở Mỹ, nhưng sẽ bị xói mòn trong tương lai. Chính phủ Mỹ sẽ tài trợ 7,5 tỷ USD cho các hãng xe để phát triển khoảng 500.000 trạm sạc xe điện. Tesla đứng trước lựa chọn khó khăn khi phải bỏ qua nguồn vốn này, nhường lại cơ hội cho các hãng xe khác, hoặc phải thiết kế trạm sạc tương thích với sản phẩm đến từ các hãng đối thủ.
Musk làm tình hình Tesla tệ hơn nữa
Các hành động của Musk kể từ khi tiếp quản Twitter đã khiến tình hình vốn khó khăn của Tesla trở nên tồi tệ hơn.
Trong năm qua, Musk đã sử dụng nền tảng Twitter để công kích cựu giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci và thượng nghị sĩ Bernie Sanders về các vấn đề chi tiêu chính phủ và lạm phát. Musk cũng gây tranh cãi khi nới lỏng chính sách kiểm duyệt nội dung và đả kích, thậm chí xúc phạm những người bất đồng ý kiến.
Giá trị thương hiệu của Tesla vào năm 2022 là 48 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2021 nhưng vẫn thấp so với mức tăng trưởng 183% từ năm 2020 đến năm 2021, theo phân tích của công ty tư vấn Interbrand với 100 thương hiệu hàng đầu toàn cầu.
Interbrand cho rằng sức mạnh thương hiệu của Tesla đang suy giảm, đặc biệt là về “niềm tin, sự khác biệt và sự hiểu biết về nhu cầu của khách hàng”.
“Tôi nghĩ các giá trị cốt lõi của Musk đang suy giảm và nhiều người không còn thích hình ảnh của Tesla", Daniel Binns, giám đốc tăng trưởng toàn cầu của Interbrand, cho biết.
Trong số đó có những khách hàng thân thiết một thời. Alan Saldich, một CMO công nghệ đã nghỉ hưu sống ở Idaho, Mỹ, đã đặt cọc mua một chiếc Model S vào năm 2011, trước khi mẫu xe này được tung ra thị trường. Chiếc Model S của Saldich được giao vào năm 2012, mang số hiệu 2799, là một trong 3.000 chiếc đầu tiên được sản xuất.
Nhưng kể từ đó, khách hàng này đã nguội lạnh với Tesla. Vào năm 2019, Saldich đã bán chiếc Model S và hiện lái một chiếc Mini Electric. Ông cho biết đặc biệt khó chịu trước những lời công kích của Musk đối với các chương trình và quy định của chính phủ Mỹ, đặc biệt là khi Tesla đã được hưởng lợi từ các khoản tín dụng thuế EV của các tiểu bang và liên bang.
“Cá nhân tôi sẽ không mua một chiếc Tesla nữa, một phần vì có quá nhiều lựa chọn thay thế và tôi cũng không thích Musk nữa”, Saldich nói.