Kể từ khi tiếp quản Twitter sau thương vụ trị giá 44 tỷ USD, tỷ phú Elon Musk đã thực hiện hàng loạt thay đổi với tần suất liên tục.
Vào tuần trước, Twitter vừa chứng kiến một cuộc “thanh trừng” quy mô lớn. Nhưng tình trạng hỗn loạn của công ty mạng xã hội vẫn chưa dừng lại ở đó khi Elon Musk tiếp tục đề xuất ý tưởng thu phí Twitter, mời một số nhân viên quay lại làm việc dù đã sa thải họ.
Elon Musk dồn nhiều tâm huyết vào Twitter. Ảnh: Journal Du Coin.
Nhiều nhân viên Twitter cho biết họ đi làm với trạng thái mơ hồ, chẳng biết cấp trên mới của mình sẽ là ai. Họ nói rằng cảm thấy lo lắng về tương lai của công ty và cho rằng Twitter sẽ lỗ chồng lỗ nếu thực hiện kế hoạch thu phí qua dịch vụ Blue của Musk.
Khối lượng công việc khổng lồ
Vị tỷ phú giàu nhất thế giới có lẽ đang là người bận rộn nhất giới công nghệ hiện nay. Ngoài điều hành Tesla, Twitter và công ty du hành vũ trụ SpaceX, Musk còn sáng lập công ty xây dựng đường hầm Boring và công ty công nghệ thần kinh Neuralink Corp.
Vậy làm thế nào để Musk quản lý và lãnh đạo tất cả dự án phức tạp đó cùng một lúc? Thực tế, giới chuyên gia nhận định việc phải làm quá nhiều việc khiến vị tỷ phú đưa ra các quyết định khá chắp vá và có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn.
“Không thể để một CEO điều hành 4 hoặc 5 công ty và cho hiệu quả như nhau. Đó không phải là kỳ vọng mà chúng ta nên có", David Yoffie, giáo sư tại Harvard, người đã nghiên cứu về Musk và các doanh nghiệp cho biết.
Elon Musk đang điều hành tới 5 công ty một lúc. Ảnh: Vanity Fair.
Sau khi sa thải dàn lãnh đạo cũ, tỷ phú Elon Musk ngày 31/10 cho biết ông sẽ là giám đốc điều hành (CEO) mới của mạng xã hội Twitter.
Wired nhận định việc tỷ phú giàu nhất thế giới đảm nhận vai trò này, trong lúc Twitter phải đối mặt với những thách thức phức tạp, sẽ chỉ khiến việc sắp xếp công việc trở nên khó khăn hơn.
Musk lần đầu thông báo mua lại Twitter vào ngày 25/4. Kết thúc phiên giao dịch hôm đó, giá cổ phiếu Tesla ở mức 332,67 USD/cổ phiếu. Đến nay, giá giảm còn 207,47 USD/cổ phiếu.
Yoffie cho rằng đó có thể là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng về việc Elon Musk đang quá tải. Năm 2018 khi Tesla gặp khó khăn trong sản xuất, Musk đã tập hợp công nhân của mình lại và ngủ một vài đêm tại nhà máy.
Elon Musk giới thiệu chiếc ghế dài trong phòng họp mà ông thường ngả lưng. Ảnh: CBS News.
“Về cơ bản, Elon là một nhà quản lý vi mô. Nếu ông ấy mua Twitter trong khoảng thời gian đó thì sẽ không chú ý đến Tesla nữa”, Yoffie nói.
Vị tỷ phú cũng thừa nhận áp lực công việc đã tăng lên đáng kể. "Khối lượng công việc của tôi tăng từ khoảng 78 giờ/tuần lên 120 giờ/tuần", Musk nói tại Baron Investment Conference hôm 4/11.
Mối nguy với Tesla
Đặc biệt hơn, đây cũng không phải là thời điểm tốt để Musk có thể rời mắt khỏi Tesla, công ty giá trị nhất của ông.
Dưới sự quản lý của Musk, hãng xe đã đạt được những bước tiến rất lớn trong công nghệ pin, sản xuất, lái xe tự động và nhanh chóng gia tăng doanh số bán hàng.
Theo số liệu trong quý III/2022, Tesla đã bàn giao 343.000 xe điện, đạt mức tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tesla của Elon Musk đang đối diện nhiều thách thức. Ảnh: Getty.
Tuy nhiên, thương hiệu này đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ cũng đang muốn nhảy vào sản xuất xe điện cạnh tranh. Chỉ tính riêng tại thị trường Mỹ, trong vài năm tới các hãng sẽ thay nhau giới thiệu hàng loạt mẫu xe điện mới.
Báo cáo của Bank of America Merrill Lynch hồi tháng 6 ước tính rằng thị phần của Tesla trên thị trường xe điện có thể giảm từ hơn 70% năm 2021 xuống chỉ còn dưới 10 vào năm 2025.
Ngoài ra, Tesla cũng đang phải đối mặt với một số vụ kiện về các vụ tai nạn liên quan đến hệ thống lái xe tự động Autopilot. Thậm chí Bộ Tư pháp Mỹ đã khởi động một cuộc điều tra bí mật sau hơn một chục vụ tai nạn liên quan đến hệ thống hỗ trợ lái xe Autopilot của Tesla, theo nguồn tin riêng của Reuters.
Trong khi đó, sự phụ thuộc của Tesla vào thị trường Trung Quốc mang lại rủi ro về tính cạnh tranh và chính trị.
Nguồn nguyên liệu thô quan trọng từ các mỏ của Trung Quốc và gần một nửa công suất sản xuất của Tesla hiện nằm trong một nhà máy rộng lớn ở Thượng Hải.
Nhà máy xe điện lớn của Tesla tại Thượng Hải đóng góp một nửa đơn hàng trong năm 2021 Ảnh: Tech Vision.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ôtô của Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng sang sản xuất xe điện và chính phủ nước này cũng sẵn sàng gây áp lực với Musk về mặt chính trị.
Hồi tháng 10, Musk nói với Financial Times rằng Trung Quốc không chấp thuận việc triển khai dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của SpaceX ở Ukraine. Trước đó, trong cuộc phỏng vấn hôm 7/10, vị tỷ phú gây tranh cãi với gợi ý tạo lập đặc khu hành chính tại Đài Loan.