Trong một tuần, tỷ phú giàu nhất thế giới phải chứng kiến giá cổ phiếu công ty lao dốc, bị nhân viên chỉ trích và mất lòng tin.
Theo CNBC, ông chủ Tesla Elon Musk đang phải trải qua một trong những tuần khó khăn nhất kể từ đầu năm đến nay. Về mặt tài chính doanh nghiệp, sau khi đạt đỉnh vào tháng 11 năm ngoái, giá cổ phiếu Tesla đã bốc hơi một nửa giá trị.
Tính riêng tuần vừa qua, cổ phiếu công ty đã giảm hơn 6% khi giới đầu tư tiếp tục bán tháo nhóm công nghệ. Bên cạnh đó, Tesla còn hứng chịu hàng loạt chỉ trích liên quan đến vấn đề an toàn của hệ thống hỗ trợ lái xe.
Xe điện Tesla đồng loạt tăng giá
Hôm 15/6, Cục An toàn Giao thông Đường cao tốc Mỹ (NHTSA) thông báo qua quá trình tổng hợp và lấy dữ liệu từ 11 nhà sản xuất ôtô, kể từ tháng 6/2021, đã có 273 trên tổng số 392 vụ tai nạn liên quan đến hệ thống hỗ trợ người lái của Tesla, tức chiếm gần 70%.
Tuy nhiên, NHTSA lưu ý dữ liệu không đưa ra ngữ cảnh cụ thể và chỉ có ý nghĩa như một cảnh báo để hãng xác định lỗi.
“Tôi chỉ khuyến cáo người dùng nên cẩn thận trước khi đưa ra bất cứ kết luận nào qua dữ liệu này. Trên thực tế, dữ liệu cũng có thể đặt ra nhiều câu hỏi hơn thông tin của chúng”, Steven Cliff, quản trị viên của NHTSA, chia sẻ.
Cũng trong tuần này, Tesla tuyên bố tăng giá tất cả các mẫu ôtô tại thị trường Mỹ trong bối cảnh ngành công nghiệp ôtô tiếp tục vật lộn với các vấn đề về chuỗi cung ứng, lạm phát và sự bất ổn kinh tế.
Khi Musk công bố kế hoạch cắt giảm 10% lực lượng lao động của Tesla vào tháng 6, vị CEO tiết lộ ông có “cảm giác vô cùng tồi tệ” về nền kinh tế. Đối với người tiêu dùng, những lo ngại đó đang hiện hữu trên những nhãn dán giá.
Trên website của Tesla, giá phiên bản Model Y đã được nâng từ 62.900 USD lên 65.900 USD . Nếu chọn phiên bản cao hơn, người dùng sẽ phải trả 69.990 USD , tăng thêm 2.000 USD .
Website chuyên về loại hình vận tải xanh Elecktrek cho biết giá Model S Dual Motor All-Wheel Drive đã tăng khoảng 5.000 USD lên 104.990 USD trong khi phiên bản Model X Dual Motor All-Wheel Drive Long Range tăng những 6.000 USD . Ngoài tăng giá, hãng còn trì hoãn hoạt động giao xe một số mẫu xe ở Mỹ trước đó.
Tình hình kinh doanh không khả quan của Tesla tác động mạnh đến người tiêu dùng và nhà đầu tư. Không chỉ kéo giá cổ phiếu, khối tài sản của Musk cũng trồi sụt đáng kể.
Chỉ số tỷ phú của Bloomberg cho biết tài sản ròng của Musk hiện đạt 206 tỷ USD , giảm 64,5 tỷ USD , tương đương 23,8%, từ đầu năm đến nay.
Sa thải nhân viên vì bị nói xấu
Một công ty khác của Musk là SpaceX cũng đối mặt không ít sóng gió tuần qua. Hôm 13/6, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) thông báo chương trình SpaceX Starship của hãng cần điều chỉnh lại.
Theo đó, cơ quan quản lý đã ban hành danh sách hơn 75 hành động cần thiết mà SpaceX phải thực hiện trước các cuộc bay thử nghiệm Starship nhằm giảm thiểu tác hại đến môi trường. Một số yêu cầu đề nghị SpaceX cần giới hạn mức độ tiếng ồn và số lần đóng cửa đường cao tốc gần trung tâm điều khiển và bãi phóng.
Sau quyết định của FAA, Musk lập tức tuyên bố công ty sẽ có nguyên mẫu Starship sẵn sàng bay vào tháng 7. Đây cũng là nguyên mẫu được SpaceX kỳ vọng sẽ có lần đầu tiên đạt quỹ đạo.
Song, trước hết, công ty phải đáp ứng yêu cầu cung cấp giấy phép ra mắt từ FAA và các biện pháp bắt buộc của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, việc FAA không đánh giá sâu hơn cũng được coi là tin vui với SpaceX.
Dẫu vậy, Musk vẫn vướng vào một lùm xùm khác khi sa thải ít nhất 5 nhân viên SpaceX. Theo báo cáo của một số kênh truyền thông, những nhân viên này đã viết và lưu hành một bức thư chỉ trích vị lãnh đạo là “người gây mất tập trung và bối rối”.
Phản hồi về vấn đề này, Chủ tịch SpaceX kiêm COO Gwynne Shotwell đã gửi email đến toàn công ty, trong đó nhấn mạnh bức thư này khiến nhiều nhân viên khó chịu và gây khó chịu, đe dọa và bắt nạt đối với một số lao động.
“Chúng ta có quá nhiều công việc quan trọng cần phải hoàn thành và không có chỗ cho những động thái thái quá này. Tôi xin lỗi vì sự phân tâm này. Hãy tập trung vào sứ mệnh của SpaceX và tận dụng thời gian của bạn tại nơi làm để hoàn thành tốt công việc”, Shotwell lưu ý.
Khiến nhân viên Twitter mất lòng tin
Hôm 16/6, Elon Musk tổ chức cuộc họp với các nhân viên của Twitter nhằm tạo cảm giác tin cậy và minh bạch với đội ngũ nội bộ. Tuy nhiên, trên ứng dụng nhắn tin Slack, nhiều nhân viên Twitter lại tỏ ra thắc mắc và lo lắng.
Đây là điều dễ hiểu khi trước đây, cựu CEO Jack Dorsey hứa hẹn cho phép nhân viên làm việc từ xa vô thời hạn, trong khi đó, ông chủ mới của mạng xã hội từng tuyên bố sẵn sàng sa thải bất cứ nhân viên nào của Tesla và Space nếu không có mặt trên văn phòng ít nhất 40 giờ/tuần.
Trong buổi nói chuyện, Musk bỏ ngỏ khả năng khắt khe với nhân viên Twitter do việc phát triển phần mềm có thể dễ dàng xử lý từ xa trong khi hoạt động sản xuất ôtô đòi hỏi sự hiện diện thực tế.
Tuy vậy, câu trả lời này không làm dịu đi những lo lắng nội bộ. Bên cạnh đó, một số nhân viên còn cảm thấy tương lai bị đe dọa. Khi giải quyết những vấn đề về nhân sự, Musk cho biết Twitter cần tiến tới trạng thái tài chính lành mạnh. Với nhiều người, đây có thể là hồi chuông báo hiệu một đợt thanh lý nhân sự quy mô lớn.
Hiện giá cổ phiếu Twitter đang rơi về ngưỡng 37 USD /đơn vị, thấp hơn nhiều so với mức 54 USD /đơn vị đề nghị trả cho Twitter để sở hữu mạng xã hội. Kể từ thời điểm tuyên bố mua lại Twitter, giá cổ phiếu công ty đã giảm gần 70%.