Trên tờ New York Times, cây viết có 20 năm kinh nghiệm về công nghệ, David Streitfeld đưa ra nhận xét ngắn gọn khi Elon Musk hoàn tất thương vụ mua lại Twitter: Đã đến lúc các ông trùm công nghệ được “giải phóng”.
Trước đây, khi một vị tỷ phú công nghệ muốn mua một thứ gì đó to lớn, ông ta phải cần cả một công ty để thực hiện. Steve Case đã sử dụng AOL để mua lại tập đoàn truyền thông khổng lồ Time Warner.
Jeff Bezos thâu tóm chuỗi thực phẩm hữu cơ Whole Foods thông qua Amazon. Mark Zuckerberg, với bệ phóng Facebook sáp nhập thành công các đối thủ tiềm năng như Instagram, WhatsApp hay Oculus.
Những nhà sáng lập kể trên đều mua một công ty khác vì lợi nhuận của họ, ngay cả khi điều đó có thể không bao giờ xảy ra nếu không có một chủ sở hữu nổi tiếng và mạnh mẽ về nguồn lực.
Tuy nhiên, cách Elon Musk thâu tóm công ty mạng xã hội Twitter trong thương vụ trị giá 44 tỷ USD lại hoàn toàn khác. Đó chỉ đơn giản là một vị tỷ phú mua một thứ gì đó cho bản thân mà 240 triệu người trên thế giới sử dụng thường xuyên.
Niềm tin của những ông trùm công nghệ
Với hàng tỷ USD trong tay, niềm tin vào bản thân là thứ mà các tỷ phú công nghệ không bao giờ thiếu.
Mua lại Twitter cũng là một hành động táo bạo của vị tỷ phú này. Musk có niềm tin rằng một nền tảng mạng xã hội, vốn từng vượt qua mọi tranh cãi để tạo ra lợi nhuận nhưng lại dẫn đến tranh cãi về tự do ngôn luận, có thể dễ dàng được sửa chữa bởi một cá nhân duy nhất, chính là ông.
Tài sản của Elon Musk phần lớn đến từ việc kinh doanh sản xuất ôtô điện Tesla, công ty mà ông đã biến nó trở thành phương tiện hàng đầu và thay đổi cách lái xe của người Mỹ, một nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi vào lúc mới thành lập.
Các tỷ phú đang dùng hàng tỷ USD để biến niềm tin thành sự thật. Ảnh: FT.
Ở lĩnh vực khác, Elon Musk và tỷ phú Bezos đang cạnh tranh với nhau để tái tạo chương trình không gian, thứ vào những năm 1960 được coi là quá quan trọng và quá tốn kém để được điều hành bởi bất kỳ ai ngoại trừ chính phủ liên bang.
Zuckerberg đã đổi tên Facebook thành Meta và định hướng lại công ty tạo ra một thế giới ảo nơi mọi người từ đó sẽ sống cuộc đời khác.
"So với thế kỷ 20, trong thời đại vàng son của công nghệ này, chúng ta đang bị thống trị bởi các tỷ phú hơn là những tập đoàn của họ. Những người khổng lồ công nghệ đang dẫn đầu cuộc chơi", Richard Walker - giáo sư danh dự về địa lý kinh tế tại Đại học California nhận định.
Ngay cả những người vốn theo dõi chặt chẽ bối cảnh công nghệ trong nhiều thập kỷ qua cũng không khỏi lo lắng về tiền lệ từ vụ mua lại Twitter của ông Musk.
“Hầu hết nhà sáng lập xây dựng những công ty vĩ đại, nghỉ hưu và tạo ra những nền tảng khổng lồ để đầu tư tiếp. Không ai từng làm điều gì đó như thế này", Michael S. Malone, người từng viết sách về lịch sử của Apple, Intel và nhiều công ty khác cho biết.
Các nhà kinh tế nhận định các tỷ phú công nghệ giờ đây sẽ dẫn đầu thế giới. Ảnh: BBC.
Dù vậy, ông Malone vẫn tự cho mình là một người hâm mộ trước viễn cảnh Elon Musk sẽ nới lỏng các quy tắc của Twitter: “Việc mở rộng quy mô sẽ khiến nó trở nên điên rồ và thú vị hơn”.
Khi tiền không còn là ưu tiên hàng đầu
Thực tế giới nhà giàu từ lâu đã muốn sở hữu các tài sản truyền thông và đó là một truyền thống mà những gã khổng lồ công nghệ vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Điển hình có thể kể đến nhà sáng lập Amazon, Jeff Bezos chi 250 triệu USD mua lại tờ Washington Post (WP) và những tài sản của tờ này với tư cách cá nhân.
Marc Benioff của Salesforce cũng sở hữu tạp chí Time. Trong khi đó, Pierre Omidyar - nhà sáng lập trang thương mại điện tử eBay thậm chí còn tự phát triển một đế chế truyền thông có tên First Look Media.
Những vụ mua lại từ lâu đã là đặc trưng của các gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon. Đa phần các vụ sáp nhập này sẽ thất bại, đặc biệt là nếu mua lại những công nghệ nhanh chóng lỗi thời hoặc không bao giờ thực sự hiệu quả như kỳ vọng.
10 giao dịch công nghệ lớn nhất kể từ năm 1995 tính theo giá trị giao dịch. Ảnh: New York Times.
Công ty dữ liệu Dealogic đã biên soạn cho New York Times danh sách 10 giao dịch công nghệ lớn nhất kể từ năm 1995 tính theo giá trị giao dịch. Theo thước đo đó, thương vụ Twitter của ông Musk xếp thứ 10.
Ngay từ đầu, CEO Tesla đã khẳng định rằng việc mua lại Twitter không phải thành tựu cá nhân hay một trò chơi hoặc một kế hoạch để tăng giá trị tài sản ròng của mình. Thay vào đó, Musk định giá mạng xã hội theo những giá trị lớn nhất có thể.
"Tôi mua lại Twitter vì tầm quan trọng đối với tương lai của nền văn minh là có một nơi nhiều tín ngưỡng được tranh luận một cách lành mạnh mà không cần dùng đến bạo lực. Tôi không quan tâm đến khía cạnh kinh tế", Musk nói về lý do mua lại Twitter.
Nếu có quan tâm đến thị trường chứng khoán toàn cầu đang lao dốc, Musk hoàn toàn có thể đưa ra con số thấp hơn cho thương vụ này. Các nhà phân tích ước tính trị giá của Twitter chắc chắn không phải 44 tỷ USD, mà chỉ nằm ở mức 30 tỷ USD hoặc thậm chí có thể ít hơn.
Musk định giá Twitter theo giá trị to lớn với nhân loại. Ảnh: Telegraph.
Thực tế kể từ khi phát biểu mua lại Twitter hồi tháng 4, ông Musk trong 6 tháng qua đã cố gắng thoát khỏi thương vụ nhưng đã đổi ý khi phải gặp thách thức pháp lý do cố rút lui.
"Điều này khiến thương vụ mua lại tưởng chừng rất lớn này lại trở nên quen thuộc với mọi người. Khi tham gia một dự án mới, ứng tuyển công việc, mua một ngôi nhà, chúng ta phải mất thời gian để nhận ra rằng nó sẽ tốn kém hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ. Việc ông Musk mua Twitter, sau đó là từ chối rồi lại bị buộc phải mua lại, đều liên quan một cách kỳ lạ tới chúng ta trong cuộc sống", Streitfeld nhận xét.