Ngày 15/12, tài khoản Twitter của hàng loạt nhà báo công nghệ bị khóa mà không có giải thích. 3 ngày sau, mạng xã hội này công bố chính sách cấm người dùng chia sẻ bài viết quảng bá nền tảng khác.
Đến 19/12, Musk thăm dò người dùng với câu hỏi liệu ông có nên từ chức lãnh đạo mạng xã hội hay không. Vị tỷ phú khẳng định sẽ tuân thủ kết quả bỏ phiếu.
Đó là những ngày hỗn loạn trên Twitter, nền tảng vốn đã chìm trong "lục đục" từ khi về tay Elon Musk. Hàng loạt quyết định chớp nhoáng khiến vị tỷ phú nhận chỉ trích dữ dội.
Người ủng hộ quay lưng với Musk
"Tôi có nên từ chức người đứng đầu Twitter không?", Musk viết vào ngày 19/12. Khi cuộc bình chọn kết thúc, hơn 17,5 triệu người đã tham gia. Trong đó, khoảng 57,5% tài khoản lựa chọn “Có”, và 42,5% còn lại chọn “Không”.
Đến nay, CEO Tesla chưa đưa ra bình luận sau khi có kết quả khảo sát. Dù khẳng định sẽ làm theo số đông, Musk chưa thông báo chi tiết thời điểm, cách thức từ chức và người kế nhiệm nếu thực sự từ bỏ vị trí.
Bài khảo sát được đăng tải sau khi Musk hứng hàng loạt chỉ trích. Sự hỗn loạn lên đỉnh điểm vào tuần trước, với hàng loạt quyết định bất ngờ và khó hiểu của Twitter. Theo New York Times, chúng tạo ra làn sóng phản ứng dữ dội. Ngay cả những người ủng hộ vị tỷ phú cũng không tán thành các chính sách này.
Doanh nhân Balaji Srinivasan, cựu Giám đốc Công nghệ Coinbase từng ủng hộ những dự án của Elon Musk. Tuy nhiên với quy định không được quảng bá mạng xã hội đối thủ trên Twitter, Srinivasan đã công khai phản đối.
"Đây là chính sách tồi tệ và nên được loại bỏ. Cạnh tranh đúng cách là xây dựng sản phẩm tốt hơn, không phải hạn chế việc sử dụng sản phẩm của bạn", Srinivasan viết.
Lời xin lỗi của Musk
Đầu tháng 12, Twitter khóa hơn 25 tài khoản dùng để theo dõi lịch trình máy bay cá nhân của người nổi tiếng, trong đó có cả Musk với trang @ElonJet. Dù từng hứa sẽ để tài khoản hoạt động, CEO Tesla cho rằng các trang này có thể gây rủi ro bảo mật khi theo dõi máy bay của các nhà tài phiệt, chính trị gia và người nổi tiếng.
Paul Graham, nhà đầu tư kiêm đồng sáng lập dự án hỗ trợ startup Y Combinator từng ủng hộ Musk mua lại Twitter. Tuy nhiên, sự khó chịu về những chính sách mới khiến ông từ bỏ nền tảng.
Sau khi chia sẻ đường link đến tài khoản mới tạo trên Mastodon, tài khoản Twitter của Graham đã bị khóa.
Tài khoản Twitter của mạng xã hội Mastodon cũng bị khóa sau khi đăng bài quảng bá "nhà mới" của @ElonJet. Mạng xã hội này cũng khóa tài khoản một số phóng viên của New York Times, Washington Post và CNN sau khi chia sẻ ảnh chụp màn hình bài viết của Mastodon.
Chia sẻ trên Twitter, Melissa Fleming, người đứng đầu bộ phận truyền thông của Liên Hợp Quốc, cho biết bà "rất lo ngại" về việc đình chỉ này. "Tự do truyền thông không phải một món đồ chơi", bà nói thêm.
"Nếu Elon Musk, ông chủ Twitter muốn thúc đẩy nền tảng theo hướng tự do ngôn luận, việc loại bỏ các nhà báo khỏi mạng xã hội là vô nghĩa", Jodie Ginsberg, chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Nhà báo tại Mỹ cho biết.
Các tài khoản đã trở lại Twitter sau khi 59% người dùng ủng hộ khôi phục trong bài khảo sát của Musk. Tuy nhiên, lời chỉ trích dành cho vị tỷ phú không dừng lại.
Nhóm kỹ sư công nghệ, nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon khẳng định các quyết định của Twitter đã quá sức chịu đựng, và sẽ chuyển sang những mạng xã hội khác.
"Trang web này không còn thú vị như trước nữa", diễn viên Ben McKenzie viết. Trong khi đó, nhiều người dùng khác nói rằng đồng sáng lập SpaceX đang hành động như một "tên độc tài".
Để tránh sự việc đi xa hơn, Musk đã "quay xe" với một số quyết định. Trong đó, chính sách cấm quảng bá mạng xã hội đối thủ chỉ được áp dụng với những tài khoản được tạo với chủ đích trên.
"Trong tương lai, sẽ có khảo sát dành cho các thay đổi chính sách quan trọng. Tôi xin lỗi. Những điều này sẽ không xảy ra nữa", Musk cho biết. Dù vậy, chưa thể khẳng định sự thay đổi trong tương lai sẽ ra sao, và liệu ông có còn lãnh đạo Twitter hay không.