Kể từ khi mua lại Twitter, Elon Musk đã liên tục nhắc đến từ khóa “thời gian sử dụng Twitter mà người dùng không cảm thấy hối hận”. Ông xem đây là một số liệu quan trọng để vực dậy công ty mạng xã hội.
CEO Twitter muốn thay đổi mạng xã hội để người dùng không cảm thấy tiếc thời gian khi sử dụng. Ông nói rằng muốn biến Twitter trở nên “vui vẻ, thú vị và nhiều thông tin bổ ích hơn”. Đây được xem là động thái mới nhất của ông để khiến Twitter trở nên hấp dẫn hơn và thu hút các nhà quảng cáo. Khi doanh thu từ quảng cáo đang ngày càng giảm, vị tỷ phú đang tìm cách để Twitter thu được nhiều lợi nhuận hơn.
Giải pháp để tối ưu hóa Twitter
Hôm 7/5, Elon Musk đã mở cuộc khảo sát trên Twitter cá nhân với câu hỏi: “Chúng tôi đang cố làm cho news feed của bạn hấp dẫn nhất có thể để tối đa hóa thời gian sử dụng không hối tiếc của bạn. Bạn thấy Twitter so với 6 tháng trước như thế nào?”.
Kết quả cho thấy 45,9 % cho biết thời gian cho Twitter của họ đã tốt hơn trước đây. Trong khi đó, 38,2% cho biết họ càng ngày cảm thấy tệ vì thời gian dành cho mạng xã hội này, 15,9% nói rằng họ không nhận thấy sự khác biệt nào.
“Tôi muốn tối đa hóa thời gian sử dụng mà người dùng không cảm thấy hối tiếc. Nó không phải là tổng số lượng người dùng. Nó chỉ đơn là thời gian sử dụng Twitter mà họ không cảm thấy tiếc nuối”, Elon Musk nói tại hội thảo hồi tháng 4 với hy vọng thu hút thêm nhiều nhà quảng cáo.
Một ngày sau khi Elon Musk đưa ra tuyên bố trên, một Dan Knob, quản lý chuyên phân tích số liệu của Twitter, cho biết số liệu này chỉ mới ở giai đoạn ban đầu, cần người dùng gợi ý cách để đo lường nó chính xác.
“Đây là một chỉ số rất khó đo lường và mỗi người lại hiểu mỗi khác. Nếu tiêu chí này được biểu hiện qua dạng phân số, tử số là số phút không hối hận và mẫu số là tổng thời gian sử dụng, bạn sẽ muốn kiểm soát con số nào hơn?”, Dan Knob viết trên trang cá nhân.
Ngay sau khi mua lại Twitter, vị tỷ phú đã liên tục nhắc đến số liệu này để mô tả về Twitter 2.0 mà ông muốn xây dựng trong tương lai. “Tôi đã nghe rất nhiều người nói như thế này: ‘Tôi đã dành 2 giờ trên TikTok nhưng rồi lại hối hận 2 tiếng vừa qua’. Do đó, điều tôi muốn làm là tối ưu hóa từng phút để không khiến người dùng hối tiếc”, Musk nói với người dùng hồi tháng 12/2022.
Số liệu về tổng thời gian không hối hận của người dùng là một trong những nội dung trọng tâm của Elon Musk khi ông muốn thoát khỏi thương vụ với Twitter trong suốt 9 tháng năm 2022.
Khi đó, ông cho rằng số lượng người dùng hoạt động hàng ngày có tiềm năng tạo ra doanh thu (mDAU) của Twitter là ảo, bởi có bao gồm cả những tài khoản giả. Các giám đốc Twitter vào thời điểm đó gọi những gì Elon Musk nói đều sai sự thật và chỉ là chiêu trò lươn lẹo để ông thoát khỏi thương vụ một cách trót lọt.
Chiến lược của Elon Musk
Theo Wall Street Journal, mDAU của Twitter là một số liệu chưa từng có trước đây, hiệu quả hơn cả số người sử dụng hàng ngày (DAU) mà Meta và cáng công ty công nghệ khác trong Thung lũng Silicon áp dụng trước đây.
Trong lĩnh vực mạng xã hội, những con số này có vai trò rất quan trọng vì giúp các nhà quan trọng và nhà đầu tư nắm được tỷ lệ tương tác trên các nền tảng. Theo lý thuyết, càng nhiều tương tác, doanh nghiệp sẽ càng được lợi. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ lại bắt đầu lo ngại về việc liệu những con số này có ảnh hưởng đến thuật toán và hiệu quả truyền thông hay không.
Năm 2018, Facebook đã tùy chỉnh thuật toán để đẩy mạnh những tương tác xã hội có ý nghĩa với bạn bè, gia đình. Mặc dù có ý định tốt, sự thay đổi của Facebook lại khiến nền tảng đầy rẫy những nội dung tiêu cực, giận giữ.
Sau đó, Facebook đã giới thiệu tính năng khảo sát người dùng. Hệ thống sẽ hỏi: “Bài viết này có đáng thời gian của bạn hay không”, sau đó dùng phản hồi của người dùng để thống kê về xếp hàng của bài viết trên bảng news feed.
Tuy nhiên, kể từ đó trở đi, Facebook liên tục ra mắt nhiều tính năng mới để tùy chỉnh nội dung như nhấn “Xem thêm” để đọc các bài viết dài, đồng thời không quan tâm đến các chỉ số về lượt tương tác để xếp hạng nội dung như trước đây.
“Nếu nhìn vào trang cá nhân, tôi thường không hối hận khi đọc từng bài viết đơn lẻ. Tôi chỉ hối hận với tổng thời gian tôi đã dành ra để xem Twitter thay vì với người thân”, Giám đốc điều hành Ravi Iyer Psychology of Technology Institute cho biết.
Theo Wall Street Journal, trước đó, Elon Musk từng thành công khi chọn ra những số liệu mà ông cho rằng quan trọng nhất để đạt đến tham vọng của mình. Ở Tesla, vị tỷ phú đã nhiều lần nhấn mạnh về tổng chi phí chủ xe phải trả khi mua xe điện Tesla trong chiến dịch marketing.
Thay vì so sánh giá niêm yết, Tesla chọn cách tập trung vào khoản tiền mà các chủ xe tiết kiệm trong suốt dòng đời của sản phẩm nhưng giảm thuế, không cần đổ xăng. Điều này đã giúp dòng điện xe vẫn bán chạy dù có mức giá cao hơn trung bình các dòng xe chạy bằng xăng.
Với thời gian dùng Twitter mà người dùng không hối tiếng, khi Elon Musk muốn tăng tính minh bạch của thuật toán khi hiển thị nội dung bằng cách công bố một phần mã nguồn hồi tháng 3. Ông cho rằng điều này sẽ giúp các bên thứ 3 dễ dàng phân tích những bài viết được đề xuất, hiển thị với đúng tệp người dùng cụ thể.
“Nếu muốn tin tưởng, họ phải được biết cách thức hoạt động của nó. Người dùng hoàn toàn có thể thay đổi xác suất một bài viết được đề xuất nhờ mã nguồn mở của chúng tôi”, Elon Musk khẳng định.