Lịch trình làm việc gây tranh cãi của Elon Musk
Mới đây, Elon Musk được cho là đã biến nhiều phòng họp tại Twitter thành phòng ngủ, trang bị cả giường và ghế bành. Kể từ khi tiếp quản Twitter, Elon Musk liên tiếp gây tranh cãi khi yêu cầu nhân viên phải làm nhiều giờ với hiệu suất tốt hơn, "hoặc rời đi".
Bản thân Elon Musk cũng tăng số giờ làm việc từ 78 tiếng/tuần lên 120 tiếng. Ngoài ra ông còn điều hành thêm 4 công ty khác. Đây không phải lần đầu tiên Musk làm việc với cường độ cao như vậy.
Năm 2018, khoảng thời gian khó khăn của Tesla, tỷ phú giàu nhất thế giới cũng làm việc 120 tiếng/ tuần. Ông gần như không có ngày nghỉ, chỉ ngủ khoảng 6 tiếng một ngày ngay trên sàn nhà dưới bàn làm việc. Ông thậm chí còn không rời khỏi nhà máy của Teska suốt khoảng thời gian đó.
"Đó là lúc tôi chỉ ngủ vài tiếng, dậy làm việc, rồi lại ngủ một chút, rồi làm việc liên tục trong cả tuần", Musk nói. "Tôi đã ngủ ở sàn nhà máy, không phải vì tôi muốn nhưng bạn biết đấy, tôi không muốn trong khi mọi người gặp khó khăn thì CEO lại giống như đang nghỉ phép".
Triệu phú làm nhiều giờ hơn cả Musk
Gary Vaynerchuk, người sáng lập và là CEO của công ty chuyên về digital marketing VaynerMedia từng chia sẻ, nếu các start-up muốn thành công, họ nên dành ít nhất 18 tiếng/ngày, tương đương 126 tiếng/tuần để làm việc trong năm đầu tiên.
"Khi cho ra mắt một doanh nghiệp là lúc bạn đưa ra quyết định không cho phép bản thân làm bất cứ điều gì khác ngoài tập trung xây dựng nó", triệu phú tự thân cho biết, "Vậy nên hãy phân bổ 18/24 tiếng một ngày cho doanh nghiệp của bạn".
Cũng theo doanh nhân người Mỹ, "Tôi nghĩ rằng một trong những lý do lớn nhất nhiều người bỏ cuộc trong năm đầu tiên, hoặc năm thứ 2 trên hành trình lập nghiệp chính là việc họ không nhận ra công việc này khó khăn đến nhường nào. Và họ cũng không dốc hết toàn lực cho nó".
Trên kênh Youtube cá nhân của mình, Vaynerchuk thường xuyên làm những video truyền động lực để mọi người chăm chỉ hơn. "Khi người khác đang ở bể bơi, uống rượu vang thì đây là lúc bạn cần dành hàng giờ để mài giũa kỹ năng của mình", Vaynerchuk nói.
"Mùa hè là lúc mọi người đi nghĩ dưỡng. Ở châu Âu, những nhà cung cấp của tôi đi đến cả tháng trời", CEO này cho biết. Thay vì nghỉ hè, anh dành thời gian để chuẩn bị cho năm tiếp theo và vượt lên cả đối thủ của mình.
Vaynerchuk cũng cho rằng nhiều người trẻ đang lãng phí thời gian quý báu để xem tivi, chơi game. Vậy nên họ cần chấp nhận sự thật rằng họ sẽ không bao giờ giàu có hay thành công.
Triệu phú tự thân Grant Cardone từng cho biết điều khiến ông khác biệt với những người còn lại chính là khoảng thời gian làm việc. "Mọi người làm 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, còn tôi làm 95 tiếng/tuần. Nếu bạn muốn trở thành triệu phú, đừng chỉ làm 9-5 mà hãy bắt đầu làm 95 tiếng đi", Cardone nói, "Nếu bạn có thể làm nhiều hơn phần lớn người khác, bạn sẽ sớm có được may mắn để thành công".
Tony Robbins, tác giả sách bán chạy và diễn giả nổi tiếng người Mỹ cũng là một triệu phú nổi tiếng với việc làm 16 tiếng/ ngày.
Sự nghiệp đỉnh cao nhưng sức khoẻ thì chưa chắc
Lịch trình làm việc hàng trăm giờ một tuần của các triệu phú tạo ra nhiều cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Sự nghiệp thành công của họ là điều ai cũng có thể rõ ràng thấy được, nhưng mặt trái về sức khoẻ của nó cũng khiến nhiều người phải cân nhắc.
Sau khoảng thời gian dài làm việc cường độ cao năm, Elon Musk từng chia sẻ ông cảm thấy kiệt sức và từng phải dùng đến thuốc ngủ.
Theo Andrew Westwood, một chuyên gia về giấc ngủ tại Trường Y khoa, Đại học Columbia cho biết nếu thiếu ngủ liên tục, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập trung của bạn. Trí nhớ sẽ bắt đầu suy giảm và khiến bạn sẽ dễ lo lắng hơn. Ngoài ra bạn cũng sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến tăng huyết áp, tiểu đường và giảm tuổi thọ nếu ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm trong thời gian dài.
Một số ngành công nghiệp đã phải áp đặt các hạn chế về số giờ làm việc liên tục: phi công không bay quá 60 tiếng/tuần, bác sĩ nội trú chỉ được làm việc tối đa 80 tiếng/tuần.