Giá cổ phiếu của Tesla đã giảm khoảng 50% so với mức cao kỷ lục. Theo Bloomberg, hãng xe điện Mỹ không miễn nhiễm với đà bán tháo ồ ạt trên thị trường chứng khoán Mỹ, vốn giáng đòn nặng vào các cổ phiếu công nghệ.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá cổ phiếu của Tesla đã lao dốc 7,6% xuống còn 204,99 USD/cổ phiếu. Giá trị vốn hóa thị trường của hãng xe điện bị thu hẹp còn 642 tỷ USD.
Ngày 4/11/2021, đà tăng trưởng phi mã đẩy giá cổ phiếu của Tesla lên mức kỷ lục 409,97 USD/cổ phiếu. Đến giờ, giá đã giảm khoảng 50%.
Mất 142 tỷ USD sau gần một năm
Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của Elon Musk - ông chủ Tesla, tỷ phú giàu nhất thế giới - đã bay hơi 11 tỷ USD sau một đêm. Giá trị tài sản ròng của ông giảm từ 209 tỷ USD hôm 13/10 xuống 198 tỷ USD ngày 14/10, chính thức mất mốc 200 tỷ USD.
Cuối năm ngoái, đà tăng phi mã của giá cổ phiếu Tesla đã đưa giá trị tài sản ròng của Musk vượt ngưỡng 300 tỷ USD. Tính đến ngày 4/11/2021, vị tỷ phú xe điện nắm giữ khối tài sản trị giá 340 tỷ USD.
Đến nay, sau gần một năm, tài sản của Musk đã bay hơi 142 tỷ USD.
Tài sản của Musk bị thu hẹp khi giá cổ phiếu của Tesla lao dốc. Cổ phiếu Tesla vẫn chiếm phần lớn trong khối tài sản của ông với trị giá gần 90 tỷ USD.
Giá cổ phiếu Tesla lao dốc trong bối cảnh tâm lý bi quan bao trùm Phố Wall. Bóng ma suy thoái của nền kinh tế toàn cầu khiến các nhà đầu tư e ngại.
Lạm phát dai dẳng và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay tăng lãi suất điều hành đã bào mòn sức hút của các tài sản rủi ro. Trong đó, những cổ phiếu tăng trưởng - được cho là rủi ro hơn - bị giáng đòn mạnh.
Những cổ phiếu công nghệ đã tăng trưởng thần tốc trong thời kỳ đại dịch, khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nới lỏng chính sách để hỗ trợ nền kinh tế chống chịu với dịch bệnh.
Nhưng kể từ đầu năm nay, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất điều hành tổng cộng 3 điểm phần trăm, đưa lãi suất lên 3-3,25%, mức cao nhất trong vòng 14 năm. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7 và tháng 9, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Hàng loạt rắc rối
Musk không phải tỷ phú duy nhất nghèo đi vì làn sóng bán tháo các cổ phiếu công nghệ. So với mức cao kỷ lục hồi cuối năm ngoái, ông Jeff Bezos - ông chủ Amazon - đã mất 81 tỷ USD.
Tài sản của Mark Zuckerberg - CEO Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook - giảm hơn 92 tỷ USD từ mức đỉnh và bay hơi 77,7 tỷ USD trong năm nay. Người đứng sau Facebook đã tụt hạng xuống vị trí thứ 23 trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg.
Nhưng những rắc rối của Tesla không dừng lại ở đó. Hoạt động giao xe của hãng xe điện Mỹ gặp phải một số rắc rối về hậu cần. Giới phân tích cảnh báo giá xe tăng cao cũng có thể ảnh hưởng tới nhu cầu.
Thêm vào đó, siêu nhà máy của Tesla ở Thượng Hải đã bị gián đoạn hoạt động vì các đợt phong tỏa nhằm đối phó với dịch Covid-19. Đáng nói, đất nước 1,4 tỷ dân đang đối mặt với làn sóng Covid-19 mới sau kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần.
Điều này làm dấy lên lo ngại về việc Bắc Kinh sẽ tiếp tục thắt chặt các biện pháp để đưa số ca nhiễm mới về 0, làm gián đoạn hoạt động kinh tế.
Các đợt phong tỏa tại Trung Quốc làm gián đoạn hoạt động của Tesla ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters.
Giống với các công ty sản xuất ôtô khác trên toàn cầu, hãng xe điện của Musk cũng đang chật vật vì tình trạng thiếu hụt nguồn cung và chi phí nguyên liệu thô tăng vọt.
Những rắc rối xoay quanh thương vụ mua lại nền tảng truyền thông xã hội Twitter của Musk cũng là tin xấu với cổ phiếu Tesla. Hôm 4/10, ông chủ Tesla đã gửi một bức thư tới Twitter để nối lại thỏa thuận mua mạng xã hội với giá 54,2 USD/cổ phiếu.
Giới đầu tư lo ngại Musk đang gánh vác quá nhiều. Ngoài điều hành Tesla và SpaceX, Musk còn sáng lập công ty xây dựng đường hầm Boring và công ty công nghệ thần kinh Neuralink Corp.
Sau khi Musk tuyên bố mua lại Twitter hồi tháng 4, giá cổ phiếu Tesla đã giảm mạnh. "Musk dành nhiều thời gian với Tesla và rất tích cực trong việc quản lý công ty. Nhưng ông ấy không dành toàn bộ thời gian và sự chú ý cho Tesla", một hồ sơ chứng khoán của hãng xe điện nêu.