Theo CNBC, kể từ lúc CEO Tesla Elon Musk tuyên bố mua lại mạng xã hội Twitter, giá cổ phiếu của hãng xe điện Mỹ đã lao dốc hơn 35%. Riêng trong phiên giao dịch cuối tuần qua, mã này giảm tới 3,6%.
Để so sánh, chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ giảm 18% trong cùng giai đoạn.
Theo chỉ số Bloomberg Billionaires Index, tài sản của Musk đã giảm từ 257 tỷ USD vào ngày thông báo thâu tóm Twitter còn 190 tỷ USD, giảm 67 tỷ USD. Phần lớn tài sản của ông đến từ cổ phần tại Tesla, trị giá 82,6 tỷ USD.
Musk đang gánh vác quá nhiều?
Musk lần đầu thông báo mua lại Twitter vào ngày 25/4. Kết thúc phiên giao dịch hôm đó, giá cổ phiếu Tesla ở mức 332,67 USD/cổ phiếu. Đến nay, giá giảm còn 207,47 USD/cổ phiếu.
"Khối lượng công việc của tôi tăng từ khoảng 78 giờ/tuần lên 120 giờ/tuần", Musk nói tại Baron Investment Conference hôm 4/11.
Ngoài điều hành Tesla, Twitter và công ty du hành vũ trụ SpaceX, Musk còn sáng lập công ty xây dựng đường hầm Boring Co. và công ty công nghệ thần kinh Neuralink Corp.
Khối lượng công việc của tôi tăng từ khoảng 78 giờ/tuần lên 120 giờ/tuần
CEO Tesla Elon Musk
Nhưng vị CEO Tesla khẳng định đến khi Twitter đi đúng hướng, công việc quản lý sẽ dễ dàng hơn nhiều ở SpaceX hay Tesla.
Trước đây, Musk từng than thở về việc không có thời gian, và nói rằng chẳng ai nên làm giám đốc điều hành mãi. "Sẽ thật tuyệt nếu có thêm thời gian rảnh rỗi, thay vì làm việc cả ngày lẫn đêm, từ khi thức giấc đến lúc đi ngủ 7 ngày/tuần. Nó khá căng thẳng", CEO Tesla chia sẻ.
“Thành thật mà nói, tôi không thích quản lý, và tôi không thích trở thành ông chủ của bất kỳ ai”, Musk nói tại Tòa án Delaware Chancery, trong một phiên tòa liên quan đến việc Tesla mua công ty năng lượng mặt trời gia đình SolarCity Corp.
"Nhưng có những việc quan trọng cần phải hoàn thành. Chúng quan trọng với tương lai của thế giới. Vì vậy, đôi khi tôi phải trở thành ông chủ", Musk nói thêm.
Trước đây, ông Jack Dorsey - nhà sáng lập Twitter - từng vừa là CEO của công ty, vừa lãnh đạo công ty thanh toán Block Inc. Ông đã bị các nhà đầu tư chỉ trích vì làm "giám đốc bán thời gian" và cùng lúc quản lý tới 2 công ty.
Twitter hỗn loạn
Với hàng trăm triệu người theo dõi của Elon Musk trên Twitter, Tesla từ lâu đã sử dụng nền tảng này để cập nhật thông tin cho các cổ đông. Trên Twitter, vị tỷ phú xe điện cũng quảng bá tất cả công ty, sản phẩm của mình, và hình ảnh của chính ông.
Ngay sau khi tiếp quản Twitter, Musk đã sa thải hàng loạt lãnh đạo công ty, bao gồm CEO Parag Agrawal, Giám đốc Tài chính Ned Segal, Giám đốc Pháp chế và Chính sách Vijaya Gadde, cố vấn cấp cao Sean Edgett.
Ông cho rằng lực lượng lao động của Twitter quá lớn và quá chú trọng vào việc kiểm duyệt nội dung, an toàn nền tảng, phát triển sản phẩm và tiếp thị. Ngày 4/11, Twitter sa thải khoảng 3.700 nhân sự qua email để cắt giảm chi phí.
Với lực lượng nhân viên còn lại, Musk đang thúc ép họ nhanh chóng phát triển các tính năng mới. Một số thậm chí phải ngủ lại văn phòng để hoàn thành công việc đúng thời hạn.
Quyết định sa thải ồ ạt và đột ngột khiến lực lượng nhân viên Twitter rơi vào trạng thái hỗn loạn, tinh thần làm việc sa sút. Một số nhân viên cũ đệ đơn kiện công ty, hàng loạt đối tác rút quảng cáo hoặc tạm dừng các chiến dịch tiếp thị.
Để quản lý Twitter, Musk đã đưa 50 nhân viên từ Tesla, chủ yếu là kỹ sư phần mềm và đội ngũ autopilot (hệ thống hỗ trợ lái xe tự động), sang tiếp quản công việc ở Twitter.
Musk vẫn chưa nói rõ về lịch trình của các nhân viên Tesla, trách nhiệm và mức lương của họ tại Twitter.
Tại cuộc họp mới đây với các nhà đầu tư, Musk nhắc lại rằng Tesla vẫn có ý định phát triển một dòng xe rẻ hơn mẫu sedan điện Model 3 của hãng. Ông cũng nói về mục tiêu sản xuất 40.000 chiếc xe mỗi ngày.
Sau khi Musk tuyên bố mua lại Twitter, đà giảm của cổ phiếu Tesla nghiêm trọng hơn nhiều các hãng sản xuất ôtô khác. Trong cùng giai đoạn, giá cổ phiếu của General Motors và Ford giảm lần lượt 2% và 11%. Còn hãng xe điện Rivian chứng kiến cổ phiếu lao dốc hơn 5%.