Trong một bài đăng được chia sẻ lên mạng xã hội X (Twitter), tỷ phú Elon Musk cho biết mình vừa mua một chiếc máy tính xách tay chạy Windows. Khi bắt đầu sử dụng, ông nhận ra rằng buộc phải đăng nhập hoặc tạo mới một tài khoản Microsoft để đi qua bước thiết lập hệ điều hành. Điều này khiến Elon Musk tức giận.
“Tôi vừa mua một chiếc máy tính mới. Nhưng nó không cho dùng trừ khi tôi đồng ý tạo một tài khoản Microsoft. Điều đó đồng nghĩa với sự cấp quyền cho AI của họ truy cập vào máy tính. Điều này thật sự rắc rối”, Musk chia sẻ vấn đề của bản thân.
Ông cũng nhắc đến việc Windows từng có tùy chọn bỏ qua việc đăng nhập ban đầu. Nhưng chức năng này không xuất hiện trên chiếc máy tính vị tỷ phú mới mua.
Sau đó, Elon Musk cho biết mình đã thiết lập được máy tính mà không cần đăng nhập. Bằng cách của một số người dùng khác gợi ý, ông đã ngăn chiếc máy kết nối với mạng cục bộ và tùy chọn bỏ qua hiện trở lại. Tuy nhiên, CEO Tesla vẫn không hài lòng với trải nghiệm cùng hệ điều hành Windows.
“Satya (CEO Microsoft - PV), tôi không có ý gây phiền hà nhưng vui lòng cho phép người dùng máy Windows bỏ qua bước tạo tài khoản đi. Tùy chọn đó biến mất khi máy kết nối Wi-Fi. Ngay cả khi muốn đăng ký, trang chủ cũng không chấp nhận email công việc. Tôi thì chỉ có email loại này”, Elon Musk phàn nàn.
Nhiều người dùng máy tính Windows cũng gặp vấn đề tương tự vị tỷ phú. Cụ thể, nếu dùng Windows 11 Home, yêu cầu bắt buộc là máy tính phải vào mạng và có tài khoản Microsoft. Với Windows 11 Pro, từ bản 22H2, người dùng sẽ được hỏi thiết bị được sử dụng cho cá nhân hay công việc. Khi bấm vào lựa chọn “Cá nhân”, việc đăng nhập cũng là bắt buộc.
Thực tế, vẫn có một số cách để bỏ qua quá trình phức tạp này. Tới bước thiết lập tài khoản, người dùng hãy tắt Wi-Fi, rút dây mạng để hệ điều hành mở tùy chọn bỏ qua. Sử dụng câu lệnh ipconfig /release trong Command Prompt cũng là một cách giải quyết vấn đề. Ngoài ra, khi tạo bộ cài Windows, một số phần mềm có tùy chọn bỏ qua bước đăng nhập khi khởi động lần đầu.