Elon Musk lên án vụ bắt giữ CEO Telegram Pavel Durov. Ảnh: Barlamantoday.
Sau khi Elon Musk mua Twitter và đổi tên thành X, ông đã trở thành người lên tiếng mạnh mẽ cho Tu chính án 1 Hiến pháp Mỹ và là một "người theo chủ nghĩa chuyên chế tự do ngôn luận".
Ông bắt đầu chỉ trích chính sách kiểm duyệt các mạng xã hội lớn, đồng thời cho phép đăng tải tất cả loại nội dung trên X. Trong đó có cả những nội dung gây thù hận, gây tranh cãi, thông tin sai lệch, nhưng tất cả đều không bị kiểm soát.
Mới đây, vị CEO lại một lần nữa nhắc nhở hàng triệu người theo dõi về điều này. Ông lên tiếng phản đối khi cảnh sát bắt giữ Pavel Durov, người sáng lập và CEO của Telegram ở Pháp.
Nói với truyền thông địa phương, cảnh sát cho biết đang điều tra vị CEO các tội hình sự bao gồm lừa đảo, buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức trên Telegram. Vụ bắt giữ Durov xuất phát từ cuộc điều tra ở châu Âu khi nhiều quốc gia cáo buộc Telegram không kiểm duyệt nội dung tội phạm.
Tin tức này đã gây chấn động khắp thế giới công nghệ, khiến nhiều ông lớn lên án vụ bắt giữ.
Trong khi đó, theo Business Insider, CEO Telegram Pavel Durov chính là người có cùng chí hướng với Musk.
Người sáng lập Telegram đã rời khỏi Nga để tránh phải từ bỏ dữ liệu người dùng nước này trên mạng xã hội Vkontakte do ông thành lập năm 2006. Ông cũng nhiều lần từ chối kiểm duyệt nội dung trên Telegram liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza, hay cấm liên lạc giữa các nhóm khủng bố ở phương Tây.
Nhà sáng lập tỷ phú gốc Nga và chủ sở hữu ứng dụng nhắn tin Telegram, Pavel Durov, đã bị chính quyền bắt giữ tại sân bay Le Bourget, ngay sau khi hạ cánh xuống Pháp. Ảnh: Mashable.
Phát ngôn này khá tương đồng với quan điểm của Musk. Vị tỷ phú đã đăng một loạt bài kể từ khi Durov bị bắt và chỉ trích hành động này là vi phạm quyền tự do ngôn luận. "Tự do tự do! Tự do? Thời điểm nguy hiểm đã tới”, ông viết trong một bài viết.
Musk còn thêm hashtag "FreePavel" (trả tự do cho Pavel) khi chia sẻ video quay cảnh Durov ca ngợi Musk và quan điểm ủng hộ tự do ngôn luận của ông, trong cuộc phỏng vấn với Tucker Carlson vào đầu năm nay.
“Điều quan trọng để ủng hộ tự do ngôn luận là bạn phải chia sẻ các bài đăng X tới những người bạn biết, đặc biệt là ở các quốc gia có nhiều kiểm duyệt”, Musk viết trên X hôm 25/8.
Ông còn chia sẻ một dòng tweet của CEO Chris Pavlovski của Rumble, nền tảng đối thủ của YouTube. Pavlovski nói Pháp đã "vượt qua lằn ranh đỏ" với vụ bắt giữ Durov.
“Rumble sẽ không ủng hộ hành vi này và sẽ sử dụng mọi biện pháp pháp lý có sẵn để đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận, quyền của mọi con người. Chúng tôi đang đấu tranh tại các tòa án của Pháp và hy vọng Pavel Durov sẽ được trả tự do ngay lập tức", CEO Rumble nói.
Theo Business Insider, mặc dù Musk tự cho mình là người theo chủ nghĩa tuyệt đối về tự do ngôn luận, ông lại có lịch sử “bịt miệng” những người chỉ trích mình. Ông đã sa thải những nhân viên không đồng tình và cấm các tài khoản lên án mình.