Các nhà lập pháp trong Nghị viện Châu Âu đã phê duyệt khung quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm điều chỉnh ngành công nghiệp tiền điện tử. Với 517 phiếu ủng hộ và 38 phiếu chống, Đạo luật thị trường tiền điện tử, (hay MiCA) sẽ trở thành khung pháp lý toàn diện nhất cho các tài sản kỹ thuật số, nhằm giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng mua tài sản tiền điện tử, có nghĩa là các nhà cung cấp có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu họ làm mất tài sản tiền điện tử của nhà đầu tư. Sự chấp thuận của quốc hội sẽ mở đường cho MiCA trở thành luật vào năm 2024, đưa EU đi trước Mỹ và Anh một bước.
Các nền tảng sẽ được yêu cầu thông báo cho người tiêu dùng về những rủi ro liên quan đến hoạt động của họ, đồng thời việc bán mã mới cũng sẽ tuân theo quy định. Các stablecoin như tether và USDC của Circle sẽ được yêu cầu duy trì lượng dự trữ dồi dào để đáp ứng các yêu cầu quy đổi trong trường hợp rút tiền hàng loạt. Các stablecoin quá lớn cũng phải đối mặt với việc bị giới hạn giao dịch ở mức 200 triệu Euro (khoảng 220 triệu USD)/ngày.
Cơ quan Chứng khoán và Thị trường Châu Âu, hay ESMA, sẽ được trao quyền can thiệp, có thể cấm hoặc hạn chế các nền tảng tiền điện tử nếu chúng được coi là không bảo vệ đúng cách các nhà đầu tư hoặc đe dọa tính toàn vẹn của thị trường hoặc sự ổn định tài chính. MiCA cũng giải quyết các mối quan tâm về môi trường xung quanh tiền điện tử, với việc các công ty buộc phải tiết lộ mức tiêu thụ năng lượng cũng như tác động của tài sản kỹ thuật số đối với môi trường.
Andrew Whitworth, giám đốc chính sách EMEA của công ty chuỗi khối Ripple, cho biết lời “chúc phúc” của quốc hội đã đánh dấu “một cột mốc quan trọng đối với ngành công nghiệp tiền điện tử trên toàn thế giới”.
EU đang đi trước Mỹ một bước
Theo CNBC, Quốc hội cũng đã thông qua một luật riêng nhằm giảm thiểu tình trạng ẩn danh liên quan đến việc chuyển tiền điện tử như bitcoin và stablecoin. Điều này áp dụng “quy tắc đi lại”, yêu cầu các công ty tài chính sàng lọc, ghi lại và chia sẻ thông tin về cả người gửi và người nhận đối với các giao dịch tiền điện tử để giúp chống rửa tiền. Việc chuyển tiền giữa các sàn giao dịch và “ví lưu trữ” do các cá nhân sở hữu cần phải được báo cáo nếu số tiền vượt quá ngưỡng 1.000 Euro. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề gây tranh cãi đối với những người đam mê tiền điện tử thường giao dịch tiền kỹ thuật số vì lý do quyền riêng tư.
Changpeng Zhao, Giám đốc điều hành của sàn giao dịch tiền điện tử lớn nhất thế giới Binance, cho biết công ty của ông “sẵn sàng điều chỉnh hoạt động kinh doanh trong 12-18 tháng tới để có thể tuân thủ đầy đủ quy định”. Zhao ca ngợi MiCA như một “giải pháp thực tế cho những thách thức mà chúng ta cùng nhau đối mặt.”
Các cơ quan quản lý đã tìm cách kiềm chế thị trường tiền điện tử sau nhiều thất bại thảm khốc của ngành. Vào tháng 5/2022, terraUSD, một dự án stablecoin gây tranh cãi, đã “bốc hơi” 60 tỷ USD sau khi làm các nhà đầu tư mất niềm tin vào nền tảng kỹ thuật của nó. Sự sụp đổ của terraUSD đã gây ra phản ứng dây chuyền trong ngành với nhiều công ty khác, bao gồm Three Arrows Capital, BlockFi và Voyager Digital cũng phá sản. FTX, trước đây là sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ tư, cũng đã nộp đơn xin phá sản vào tháng 11/2022, trở thành vụ thất bại lớn nhất trong ngành tiền điện tử cho đến nay.
Động thái này đưa EU đi trước Mỹ và Anh một bước, những quốc gia vẫn chưa đưa ra các quy tắc chính thức cho không gian tiền điện tử. Sau khi luật của EU có hiệu lực, các công ty tiền điện tử có thể sử dụng giấy phép của họ ở một số quốc gia châu Âu để “cấp hộ chiếu” cho các dịch vụ của họ ở các quốc gia thành viên khác nhau. Các công ty tiền điện tử đã tranh giành để có được giấy phép từ các cơ quan có thẩm quyền khác nhau ở châu Âu và mở văn phòng mới với dự đoán luật sẽ có hiệu lực.
Sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase và Kraken gần đây đã có giấy phép cung cấp dịch vụ tài sản ảo ở Dublin. Công ty chuỗi khối Ripple cũng đang tìm kiếm cơ hội lấy giấy phép từ Ngân hàng Trung ương Ireland .
Các công ty tiền điện tử của Mỹ cũng tìm kiếm cơ hội mở rộng ra nước ngoài để đối phó với các động thái pháp lý khó khăn tại quê nhà.
Mới đây, Giám đốc điều hành Coinbase Brian Armstrong đã chia sẻ với CNBC rằng công ty đã sẵn sàng cho một cuộc chiến pháp lý “kéo dài nhiều năm” với Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Ông cũng nói thêm rằng, Mỹ “có tiềm năng trở thành một thị trường quan trọng của tiền điện tử” nhưng hiện tại không mang lại sự rõ ràng về quy định. Nếu điều này tiếp diễn, thì Coinbase sẽ xem xét các lựa chọn đầu tư nhiều hơn ra nước ngoài, bao gồm cả việc chuyển từ Mỹ sang nơi khác.