Tháng 12/2022, Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ thực hiện “cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)”. Theo đó sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với 6 loại hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU sẽ phải mua "chứng chỉ khí thải" theo mức giá carbon hiện nay tại EU.
Dự kiến 10/2023, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM. Nhà nhập khẩu sẽ được yêu cầu tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo và không chịu phí CBAM.
Đến tháng 1/2026, CBAM bắt đầu được dần dần đưa vào song song với việc loại bỏ dần hạn ngạch miễn phí của EU ETS (thị trường mua bán khí phát thải của Liên minh châu Âu). Đến 2027 Ủy ban Châu Âu thực hiện rà soát toàn diện về CBAM. Và đến 2034, CBAM chính thức vận hành toàn bộ.
Việt Nam chịu tác động ở mức nào?
Tại hội thảo “Tham vấn về Kết quả đánh giá tác động của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của Liên minh châu Âu và khuyến nghị đối với Việt Nam” do Chương trình đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á tổ chức, ông Đinh Quốc Thái, Tổng thư ký Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) cho biết EU là thị trường xuất khẩu sản phẩm thép của Việt Nam đứng thứ 2 (chiếm 18,37% kim ngạch) chỉ sau Asean.
Riêng năm 2022, tổng lượng thép Việt Nam xuất khẩu khoảng 8,4 triệu tấn, thì EU chiếm 16% (khoảng 1,3 triệu tấn). Do đó, khi CBAM có hiệu lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu sản phẩm thép Việt Nam vào EU.
Với ngành nhôm, bà Lý Thị Ngân, Chánh văn phòng Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho biết ở nước ta ngành công nghiệp bauxite-alumin mới chỉ phát triển trong hơn 10 năm trở lại đây. Toàn bộ lượng alumin sản xuất tại Việt Nam đều được xuất khẩu.
Việt Nam hiện chưa có năng lực luyện nhôm, doanh nghiệp trong ngành nhôm vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nhôm thỏi, phôi nhôm nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm từ nhôm.
Năm 2022, sản phẩm nhôm xuất khẩu đạt trên 2,127 triệu USD, trong đó xuất khẩu sang EU là hơn 307 triệu USD, chiếm tỷ trọng 14,46%.
Điện phân nhôm tạo phát thải khí nhà kính nhiều nhất. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam chưa có giải pháp khắc phục. Ngoài ra, khâu luyện alumin cũng tiêu tốn nhiều năng lượng và tạo phát thải khí nhà kính lớn do công nghệ luyện vẫn truyền thống, đa số doanh nghiệp nhôm là nhỏ và vừa nên năng lực tài chính, con người, công nghệ hạn chế…
Mới chỉ có số ít doanh nghiệp quan tâm tới sản xuất nhôm xanh. Bên cạnh đó, thị trường nhôm trong nước còn dễ tính, nhu cầu nhận thức của người tiêu dùng về nhôm xanh chưa có, nên việc thúc đẩy phát triển nhôm xanh chưa được quan tâm. Hiện nay có 26 cơ sở trong ngành thuộc danh mục các doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm phát thải khí nhà kính bắt buộc.
Trong lĩnh vực xi măng, ông Lương Đức Long, Hiệp hội xi măng Việt Nam cho biết cả nước hiện có 57 nhà máy sản xuất xi măng. Tuy nhiên, ngành này chiếm tới 57% khí CO2 trong quá trình sản xuất. Than đốt chiếm 36% lượng phát thải CO2, điện chiếm dưới 6% phát thải.
Chính vì vậy, ông Long cho rằng khi EU áp dụng CBAM, clanke, xi măng Việt Nam nếu xuất khẩu vào EU sẽ chịu mức thuế carbon rất lớn do xuất phát thải cao, vì chi phí năng lượng sản xuất cao và tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo thấp.
Tương tự, với ngành phân bón, hiện tại Việt Nam chưa xuất khẩu sản phẩm phân bón vô cơ sang EU, song cũng là ngành có tỷ lệ phát thải khí nhà kính lớn trong quá trình sản xuất.
PGS. TS Chu Hoàng Long, Đại học quốc gia Úc cho rằng nếu nhìn CBAM trên tổng thể nền kinh tế thì tác động của nó không lớn. Vì CBAM chỉ nhằm vào 4 ngành của nền kinh tế Việt Nam là: Sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm. Thuế carbon không chỉ đánh vào toàn bộ chuỗi cung ứng của 4 ngành, mà còn đánh vào giá trị xuất khẩu đi EU. Trong khi tỷ lệ xuất khẩu của 4 ngành này sang EU chưa nhiều.
Cụ thể, với nhóm hàng sắt thép, theo ông Long, trong vòng 5 năm (2017 -2021) Việt Nam xuất khẩu sang EU có năm tăng, năm giảm, nhưng trung bình khoảng 1,1 tỷ USD, chiếm khoảng 12% giá trị xuất khẩu vào EU.
Xuất khẩu nhôm vào EU khoảng 48 triệu USD, chiếm 7% thị phần của Việt Nam. Với mặt hàng phân bón, chúng ta có xuất khẩu vào EU nhưng giá trị chưa nhiều, chỉ khoảng 1 triệu USD trong vòng 5 năm, nên đây không phải là ngành chịu tác động lớn từ CBAM.
Tương tự, xi măng xuất khẩu vào EU chỉ chiếm khoảng 1% giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Vì thế, thứ tự các ngành cần quan tâm tới CBAM lần lượt là: thép, nhôm, phân bón và xi măng.
Nếu tạm tính mức độ phát thải của ngành thép, để sản xuất 1 tấn thép, mức phát thải trung bình khoảng 1,8 -2 tấn CO2, tương đương với mức của thế giới. Với ngành phân bón, mức phát thải trung bình từ 1,9-2 tấn CO2 cho 1 tấn phân bón. Ngành xi măng, trung bình khoảng 0,7 tấn CO2/tấn xi măng.
Với ngành nhôm hơi đặc biệt, khó đánh giá được mức độ phát thải carbon do chúng ta sản xuất một chút ở Việt Nam, sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, và lại nhập từ nước ngoài về sản xuất tiếp ở Việt Nam. Song nếu nghiên cứu sản xuất nhôm ở nước ngoài, trung bình sản xuất 1 tấn nhôm phát thải ra 16 tấn CO2.
Ứng phó thế nào?
Tại hội thảo, các chuyên gia chỉ rõ, nếu đánh giá tác động của CBAM (thời điểm hiện tại tháng 3/2023) đến năm 2030 thì thấy, khả năng cạnh tranh của ngành thép có bị ảnh hưởng khi xuất sang EU nên sản lượng giảm khoảng 0,8%; xuất khẩu giảm khoảng 3,7%; mức phát thải carbon trong sản xuất sắt thép ước tính giảm 1 triệu tấn CO2.
Tương tự với ngành nhôm, sản lượng giảm 0,5%, xuất khẩu giảm, phát thải carbon cũng giảm 200 ngàn tấn vào năm 2030. Bên cạnh đó, CBAM làm tăng giá hàng hóa xuất khẩu đi EU, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại EU.
Nếu tính theo GDP, CBAM làm giảm trung bình khoảng 100 triệu USD trong khi nền kinh tế Việt Nam tính sơ bộ hơn 350 tỷ USD. Vì vậy, ông Long cho rằng tỷ lệ % chịu tác động từ CBAM không nhiều. Song nếu nhìn vào con số tuyệt đối thì 100 -200 triệu USD cũng không phải là con số nhỏ và gia tăng áp lực cho các doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng bên cạnh những thách thức với các mặt hàng xuất khẩu, CBAM tạo ra động lực trực tiếp giảm phát thải cho các nhà sản xuất bị ảnh hưởng. Việc này sẽ có tác động lớn hơn nếu có thể mở rộng sang các ngành khác, phù hợp với chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Chúng ta nên làm gì với CBAM?, ông Đỗ Nam Thắng, chuyên gia Chương trình đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á đặt câu hỏi. Trước hết, cần biết các đối tác thương mại của chúng ta làm gì trước quy định của CBAM.
“Nếu EU đưa ra quy định về CBAM và các nước khác trong đó có những đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… đều ủng hộ CBAM. Không những thế họ còn áp dụng CBAM cho từng quốc gia của họ thì lúc này phạm vi ảnh hưởng của CBAM hoàn toàn khác”, ông Thắng đặt tình huống.
Ông Thắng cho rằng thế mạnh của Việt Nam là tiềm năng năng lượng tái tạo khá lớn: điện mặt trời, điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi để khử cacbon của ngành điện, giảm phần rất lớn trong phát thải.
Bên cạnh đó, Việt Nam có đà trong tham gia các nỗ lực quốc tế để giải quyết biến đổi khí hậu. Đặc biệt gần đây, Việt Nam dẫn đầu ASEAN về lắp đặt điện gió và điện mặt trời từ năm 2019, đây là động lực mạnh mẽ cho chuyển dịch năng lượng.
Nhưng chúng ta cũng còn nhiều khó khăn do thiếu dữ liệu phát thải cấp doanh nghiệp, chưa biết nhiều về CBAM; năng lực giám sát, báo cáo, và thẩm định còn hạn chế.
Các quy định pháp luật về định giá carbon và chuyển dịch năng lượng còn chưa hoàn thiện. Ngân sách nhà nước hạn hẹp, đầu tư quốc tế về năng lượng tái tạo chưa đủ.
Do đó, chấp nhận CBAM, Việt Nam phải tìm cách giảm tác động tiêu cực. Chính phủ cần ban hành hướng dẫn, doanh nghiệp chuẩn bị ứng phó. Đồng thời đàm phán với EU để đưa ra các điều kiện có lợi cho Việt Nam. Áp dụng định giá carbon. Củng cố chính sách khác: loại bỏ dần điện than, thúc đẩy năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng
Tăng cường năng lực kỹ thuật và thể chế để thích ứng với CBAM. Xem xét việc áp dụng định giá carbon trong bối cảnh tổng thể. Cải thiện khung chính sách về khử carbon. Tăng cường hợp tác quốc tế.
Với doanh nghiệp, theo ông Thắng, cần theo dõi sát các tiến trình của CBAM. Chuẩn bị kế hoạch ứng phó với CBAM. Chuẩn bị cho các yêu cầu về báo cáo kiểm kê khí nhà kính. Hợp tác với chính phủ để thông qua các chính sách khử carbon như định giá carbon và thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.
Bà Lê Hồng Nga, Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) bổ sung, CBAM là vấn đề mang tính liên ngành. Do đó, các nghiên cứu cần bổ sung thêm các ngành Chính phủ quan tâm và xuất khẩu mạnh sang EU như sản phẩm nông nghiệp (nông sản, thủy sản). Khi xây dựng mô hình đánh giá tác động của CBAM, cần tách cam kết đánh giá tác động của môi trường qua cam kết COP26 và tác động của CBAM.