EVN báo lỗ kỷ lục trong năm tài chính 2023. Ảnh: EVN.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất sau kiểm toán năm 2023.
Báo cáo ghi nhận doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của tập đoàn năm ngoái đạt 500.719 tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Do giá vốn hàng bán chiếm 487.677 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của EVN chỉ đạt 13.041 tỷ, tăng hơn 23% so với năm 2022.
Năm ngoái, EVN ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh xuống còn hơn 4.065 tỷ đồng, tức giảm gần một nửa so với năm 2022. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng lên gần 22.700 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là gần 19.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 83% chi phí tài chính và tăng hơn 4.000 tỷ so với năm 2022. Bình quân mỗi ngày trong năm 2023, EVN phải trả hơn 50 tỷ đồng tiền lãi vay.
Sau khi trừ các chi phí, EVN ghi nhận lỗ sau thuế hơn 26.772 tỷ đồng, tăng 29% so với số lỗ năm 2022 (ghi nhận trên báo cáo tài chính đã kiểm toán là 20.747 tỷ đồng).
Khoản thua lỗ trong năm 2023 đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp EVN báo lỗ. Lũy kế 2 năm 2022-2023, EVN đã lỗ tổng cộng hơn 47.519 tỷ đồng.
Tính tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của EVN đạt 649.000 tỷ đồng, thấp hơn đầu năm gần 3%. Trong đó, tập đoàn có số dư tiền mặt và tiền gửi đạt hơn 81.000 tỷ đồng, giảm 20% so với đầu năm.
Trong khi đó, nợ ngắn hạn của EVN năm vừa qua cũng tăng 16%, ghi nhận khoảng 185.000 tỷ đồng, với hơn 47.000 tỷ đồng là nợ vay. Ngoài ra, Tập đoàn Điện Lực còn gần 96.700 tỷ đồng giá trị các khoản phải trả ngắn hạn cho người bán, tăng 22% so với đầu năm.
Đầu năm nay, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN, cho biết trong 2 năm qua (2022-2023) tập đoàn gặp khó về cân đối tài chính và thách thức lớn nhất năm 2024 vẫn là đảm bảo tài chính, cung ứng điện.
Ông Tuấn cho biết sau 2 lần được tăng giá bán lẻ điện bình quân trong năm ngoái, thêm 7,5%, EVN vẫn không đủ bù đắp chi phí sản xuất do các thông số đầu vào duy trì ở mức cao và tiếp tục lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp. Số lỗ này chủ yếu do giá bán ra của EVN vẫn thấp hơn giá thành. Trong đó, cứ mỗi kWh điện bán ra, EVN lỗ hơn 142 đồng.
Trong khi đó, giá nhiên liệu (than, dầu, khí) vẫn ở mức cao, sản lượng điện huy động từ thủy điện (nguồn điện có giá thấp nhất) giảm trên 4% do nước về các hồ kém và giá mua trên thị trường cao... là những nguyên nhân khiến chi phí sản xuất điện của EVN tăng.
Hiện EVN và các tổng công ty phát điện (Genco) chỉ chủ động được khoảng hơn 37% nguồn điện; còn lại hơn 62% phụ thuộc vào PVN, TKV và nhà đầu tư bên ngoài (BOT, tư nhân). Tỷ trọng mua điện của EVN hiện chiếm 80% chi phí giá thành, cao gấp đôi các nước, là bất cập trong tiêu thụ điện.
Từ bối cảnh này, Tổng giám đốc EVN kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét cho tập đoàn loại trừ một số yếu tố khỏi khoản lỗ, để có nguồn trả lương cho người lao động. Ông Tuấn đồng thời kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, đánh giá lại thị trường điện để điều chỉnh, có thị trường điện minh bạch hơn thời gian tới.
Trước kiến nghị của EVN, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đồng tình việc không tăng giá điện khó có thể giải quyết được lỗ lũy kế của EVN.
Với thông báo lỗ đậm sau kiểm toán của EVN trong năm 2023 thì khả năng tăng giá điện trong năm 2024 đang là rất lớn.