Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vừa có báo cáo về tình hình hoạt động tháng 2. Theo đó, doanh nghiệp này cho biết trong tháng 2, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 20,2 tỷ kWh, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lũy kế 2 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 38,61 tỷ kWh - giảm 2,2% so với cùng kỳ.
Sản lượng điện truyền tải tháng này đạt 16,1 tỷ kWh. Lũy kế 2 tháng đầu năm, sản lượng điện truyền tải đạt 30,5 tỷ kWh, tăng 0,2% so cùng kỳ năm trước.
EVN cho biết do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao đột biến từ đầu năm 2022, trong khi giá bán lẻ điện vẫn duy trì từ 2019 đến nay làm tình hình tài chính EVN gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo cân bằng tài chính.
Trước đó, doanh nghiệp này đã đề xuất tăng giá điện trong bối cảnh doanh nghiệp này ước lỗ hơn 30.000 tỷ đồng năm 2022 do giá nhiên liệu tăng cao. Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì số lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng; trong đó 6 tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng.
Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN lũy kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng. Với số lỗ dự kiến trên, EVN nhận định, nếu năm 2023 không được tăng giá điện ở mức phù hợp, EVN sẽ bị mất cân đối dòng tiền hoạt động.
Về nguồn điện, tập đoàn cho biết trong tháng 3 đơn vị tiếp tục tập trung thi công các dự án thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, nhiệt điện Quảng Trạch 1. Riêng dự án thủy điện Trị An mở rộng, EVN đang chờ được các cơ quản quản lý nhà nước có thẩm quyền và UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Dự án thủy điện tích năng Bác Ái đang được tiếp tục hoàn thiện thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2.
Mới đây, tại buổi làm việc với EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu trong mọi tình huống, các tập đoàn, tổng công ty phải bảo đảm đủ nguồn cung than cho sản xuất điện, đạm; không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung than (kể cả việc thiếu hụt, đứt gãy cục bộ).
Chỉ đạo được đưa ra trong bối cảnh EVN dự kiến trong năm 2023, nếu tình hình cấp than cho sản xuất điện không được cải thiện, trong khi nhu cầu sử dụng than tăng so với năm 2022 do Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mới đưa vào vận hành, khả năng thiếu than cho sản xuất điện là hiện hữu.
Tháng trước, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân mới trong khoảng 1.826,22-2.444,09 đồng/kWh. Việc ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới là cơ sở để Bộ Công Thương ra quyết định về mức tăng giá bán lẻ điện bình quân cụ thể trong năm nay.