Theo báo cáo tài chính quý IV/2022 của Eximbank, nhờ ghi nhận tăng trưởng mạnh ở chỉ tiêu dư nợ tín dụng, nhà băng này đã thu về kết quả kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, trong quý gần nhất, Eximbank đã ghi nhận 1.438 tỷ đồng thu nhập lãi thuần (lãi cho vay trừ lãi đi vay), tăng tới 46% so với cùng kỳ năm 2021. Lãnh đạo ngân hàng cho biết mức tăng cao của thu nhập lãi thuần chủ yếu đến từ dư nợ cho vay bình quân quý IV/2022 tăng so với cùng kỳ, đồng thời, Eximbank cũng thu được một số khoản lãi từ xử lý nợ xấu giai đoạn này.
Ngoài ra, do lãi suất tiền gửi tại các tổ chức tín dụng trong và nước ngoài tăng, các khoản tiền gửi của Eximbank tại đây cũng mang về nhiều lợi nhuận hơn.
Không chỉ ghi nhận tăng trưởng cao ở mảng kinh doanh chính, các mảng kinh doanh ngoài lãi của Eximbank cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực trong quý vừa qua như hoạt động dịch vụ tăng 33%, mang về 185 tỷ; kinh doanh ngoại hối tăng gần gấp đôi, mang về 255 tỷ đồng. Các hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, thu từ góp vốn mua cổ phần, hoạt động khác ghi nhận kết quả giảm so với cùng kỳ nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu doanh thu của ngân hàng.
Kết quả là nhà băng này vẫn thu về gần 1.900 tỷ đồng tổng thu nhập trong quý cuối năm 2022, tăng 32% so với cùng kỳ.
Trong quý vừa qua, để có nguồn thu tăng mạnh, Eximbank cũng phải chi ra hơn 1.200 tỷ đồng chi phí hoạt động, bao gồm chi nộp thuế và các khoản phí, lệ phí, chi cho nhân viên, chi về tài sản… Khoản chi này đã tăng 78% so với cùng kỳ và tăng cao hơn nhiều mức tăng doanh thu, khiến lãi thuần trước chi phí dự phòng của Eximbank sụt giảm.
Tuy vậy, nhờ khoản chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh từ gần 500 tỷ đồng kỳ trước xuống còn hơn 110 tỷ kỳ này mà Eximbank vẫn ghi nhận khoản lãi trước thuế đạt 528 tỷ đồng quý IV/2022. So với cùng kỳ năm trước, kết quả này đã tăng hơn gấp đôi.
Tính chung cả năm 2022, Eximbank ghi nhận tổng cộng hơn 7.200 tỷ đồng doanh thu, tăng gấp rưỡi so với năm liền trước. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cả năm cũng giảm mạnh, chỉ tương đương 1/10 năm trước. Với các diễn biến này, Eximbank đã thu về 3.709 tỷ đồng lãi trước thuế năm vừa qua, tăng 207%.
Đáng chú ý, với con số kể trên, lãi trước thuế của Eximbank đã tăng lên mức cao nhất một thập kỷ. Lần gần nhất nhà băng này có lợi nhuận trước thuế vượt 3.700 tỷ đồng đã diễn ra từ năm 2011 (lãi 4.056 tỷ), thời điểm Eximbank vẫn nằm trong nhóm 5 ngân hàng thương mại tư nhân lớn nhất thị trường.
Năm 2022, Eximbank đưa ra mức lợi nhuận kế hoạch tăng 127%, tương đương 2.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm tài chính, nhà băng này đã hoàn thành vượt kế hoạch 48%.
Trong năm 2023, ban lãnh đạo nhà băng này đặt mục tiêu thu về 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương đương mức tăng 35%. Một số chỉ tiêu khác được Eximbank đưa ra gồm dư nợ tín dụng dự kiến tăng 14%, lên 146.600 tỷ đồng; huy động vốn tăng 12%, đạt 165.000 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6%.
Dù ghi nhận kết quả kinh doanh tăng mạnh, Eximbank vẫn chưa thể ghi nhận ổn định ở thượng tầng ngân hàng. Kể từ phiên họp cổ đông thành công đầu năm 2022 và bầu được HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025, cơ cấu cổ đông của nhà băng này vẫn liên tục biến động với việc hai nhóm cổ đông lớn là Tập đoàn Thành Công và Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) thoái vốn.
Mới nhất, phiên Đại hội đồng cổ đông bất thường 2023 với nội dung chính để bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) của ngân hàng đã không thể diễn ra với lý do không đủ tỷ lệ cổ đông có quyền biểu quyết tham dự.
Diễn biến này một lần nữa khiến nhà đầu tư nhớ lại những tranh chấp quyền lực giữa các nhóm cổ đông Eximbank đã diễn ra suốt nhiều năm qua. Một trong những nguyên nhân khiến Eximbank từ một trong 5 ngân hàng tư nhân lớn nhất thị trường giai đoạn 2010-2012, đến nay đã rơi khỏi top 10 cả về quy mô tài sản và cho vay.