Facebook là nhà cung cấp nước ngoài nộp thuế nhà thầu lớn nhất. Ảnh: Business Insider.
Theo ông Nguyễn Bằng Thắng - Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) - sau hơn 7 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, đã có 37 đơn vị kê khai và nộp hơn 3.100 tỷ đồng tính đến ngày 7/11.
Trong đó, 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn như Facebook (Meta), Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple chiếm hơn 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam. Riêng Facebook nộp trên 1.700 tỷ đồng, Google nộp 1.000 tỷ đồng.
Hiện Việt Nam là một trong 4 quốc gia đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai áp dụng thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua Cổng thông tin điện tử trực tuyến.
“Điều này khẳng định chủ quyền thu thuế của Việt Nam đối với các hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Việc cổng thông tin đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp nước ngoài chủ động thực hiện quyền đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp; qua đó tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh trong thời đại kinh tế số”, ông đánh giá.
Để thúc đẩy các nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nộp thuế qua cổng thông tin, ông Thắng cho biết Bộ Tài chính đã nghiên cứu và báo cáo Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Quản lý thuế. Ngoài ra còn nhờ đến sự phối hợp của các cơ quan quản lý khác Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương hay Ngân hàng Nhà nước.
Bộ Tài chính đồng thời thực hiện nhiều hình thức, giải pháp tuyên truyền, trao đổi trực tiếp với nhà cung cấp nước ngoài hoặc gián tiếp thông qua các đại sứ quán (có các nhà cung cấp nước lớn hoạt động tại Việt Nam); một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn như Ernst & Young, KPMG, PWC, Deloitte để hoàn thiện giải pháp đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại cổng.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 889 chỉ đạo tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành thúc đẩy kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cho công tác chống thất thu thuế và các bộ, ngành cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu đối với TMĐT, áp dụng các công nghệ hiện đại, phương pháp quản lý theo rủi ro.
Hiện Tổng cục Thuế đang xây dựng, hoàn thiện Cổng dữ liệu thông tin TMĐT và dự kiến đưa vào vận hành vào tháng 12. Hệ thống đang thực hiện kiểm thử với sự tham gia của một số sàn giao dịch TMĐT như Voso, Tiki…
Theo Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý thuế vừa có hiệu lực từ ngày 30/10, chủ sở hữu sàn thương mại điện tử (TMĐT) có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch TMĐT.
Nhóm thông tin này bao gồm tên người bán hàng; mã số thuế/số định danh cá nhân/CMND/CCCD/hộ chiếu, địa chỉ; số điện thoại liên lạc; doanh thu bán hàng thông qua các chức năng đặt hàng trực tuyến của sàn.
Hoạt động cung cấp các thông tin được thực hiện định kỳ hàng quý, chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng đầu quý sau. Các sàn TMĐT sẽ cung cấp thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế theo định dạng dữ liệu do cơ quan này công bố.
Việc ban hành Nghị định 91 đồng nghĩa các sàn TMĐT không phải nộp thuế thay người bán mà chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.