Trên các hội nhóm người làm dịch vụ Facebook, chạy quảng cáo xuất hiện nhiều bài đăng phản ánh tình trạng bị nền tảng khóa tài khoản hàng loạt. Đáng nói, việc truy quét này diễn ra thường xuyên và ảnh hưởng đến cả những người dùng không vi phạm. Công việc, kế hoạch quảng cáo của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn bởi vấn đề này.
Nói với Zing, ông Mai Thanh Phú, người có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng Marketing Online, dịch vụ mạng xã hội cho biết việc Facebook quét, xóa tài khoản quảng cáo của người dùng Việt Nam đã xuất hiện từ lâu.
Tuy nhiên, trong một tháng trở lại đây, tình trạng này có chiều hướng gia tăng. Nhiều tài khoản “sạch”, không có dấu hiệu vi phạm cũng bị Meta (công ty mẹ của Facebook) xử lý.
“Kháng cáo, đặt câu hỏi, nhân viên Facebook chỉ trả lời như văn mẫu, thông báo rằng tài khoản bị khóa vì quảng cáo vi phạm tiêu chuẩn. Dữ liệu đưa ra chung chung, người dùng cũng không biết làm cách nào để xử lý”, ông Phú nói.
Tài khoản quảng cáo là một dạng tài khoản hình thành trên nền tảng Facebook cá nhân nhưng không có hồ sơ. Đồng thời, loại hình này không được cấp một số quyền tương tác. Tài khoản này được tạo ra nhằm mục đích quản lý các chiến dịch quảng cáo thực hiện trên Facebook.
Tài khoản loại này nằm tách biệt với dạng người dùng cá nhân thông thường. Có hai dạng tài khoản quảng cáo, gồm cá nhân và doanh nghiệp. Dạng người dùng bị truy quét nhiều gần đây phần nhiều thuộc nhóm cá nhân.
Nói với Zing, ông Nguyễn Anh Ninh, người làm dịch vụ Facebook lâu năm cho biết thị trường Việt Nam bị Facebook xếp vào nhóm đặc biệt, do nhiều người vi phạm.
“Nhiều người dùng tài khoản Facebook không chính chủ để chạy quảng cáo. Về nguyên tắc, đây đã là hành động vi phạm tiêu chuẩn”, ông Ninh nói. Chia sẻ về việc phải dùng tài khoản khác, người này cho biết lý do là tài khoản chính không đủ tiêu chuẩn hoặc gặp sự cố dẫn đến việc không thể hoạt động.
Bên cạnh đó, người Việt cũng thường chia sẻ những cách để “bùng” tiền Facebook. “Facebook có chính sách cho thanh toán sau khi chạy quảng cáo. Hạn mức tăng lên khi người dùng trả đúng hạn. Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng chức năng này để trốn nợ, không hoàn trả chi phí cho Facebook”, ông Ninh chia sẻ thêm.
Theo người này, Meta áp dụng chính sách riêng cho đối tác Việt Nam, giới hạn số tiền nợ và yêu cầu thêm đặt cọc khi mua quảng cáo.
Trong khi đó, ông Mai Thanh Phú cho biết Facebook có cách hoạt động, xử lý khác biệt từ sau tháng 6, khi bắt đầu thu hộ thuế của đối tác trong nước. Ngoài ra, nền tảng còn “quét nhầm hơn bỏ sót”, xử lý cả những tài khoản không vi phạm chính sách.
Mặt khác, ở Việt Nam còn phổ biến các loại tài khoản quảng cáo invoice (hóa đơn), nói ngắn gọn là "voi". Những tài khoản quảng cáo này thường bị đánh cắp từ những doanh nghiệp lớn, được Facebook mở ngân sách ghi nợ đến tỷ đồng. Loại tài khoản này được mua lại với giá rẻ hơn để chạy quảng cáo đến gần mức tối đa và bùng nợ.
Tháng 6/2021, 4 cá nhân người Việt bị Facebook khởi kiện vì sử dụng thủ thuật để xâm nhập tài khoản của các đối tác nền tảng. Những người này lợi dụng để chạy quảng cáo trái phép.
Bên cạnh xâm nhập tài khoản nhân viên các đại lý quảng cáo, nhóm người này bị cáo buộc hỗ trợ cho các hành vi lừa đảo online. Theo Facebook, ước tính quảng cáo trái phép mà nhóm này đã chạy có giá trị hơn 36 triệu USD . "Facebook đã hoàn tiền cho các nạn nhân và giúp họ bảo mật tài khoản", đại diện Facebook viết trong thông cáo gửi báo chí ngày 30/6/2021.