Nếu Fed thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 18.9 như dự kiến, thì đây sẽ chính thức đánh dấu sự kết thúc của chiến dịch kiểm soát lạm phát quyết liệt nhất kể từ những năm 1980. Lãi suất chuẩn hiện ở phạm vi 5,25% đến 5,5%, là mức cao nhất trong 23 năm.
Kỷ nguyên tiền rẻ mới của ngân hàng trung ương dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2026. Sự thay đổi đó sẽ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ bằng cách giúp người Mỹ vay mua nhà, ô tô hoặc chi tiêu thẻ tín dụng với chi phí rẻ hơn. Các doanh nghiệp cũng sẽ dễ thở hơn khi vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với Chủ tịch Fed Jerome Powell, điều này có thể cho phép ông tuyên bố một thành tựu mà nhiều thống đốc tiền nhiệm đã không làm được.
Mặt khác, Esther George, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Kansas City cho biết, Fed sẽ không hoàn thành nhiệm vụ của mình cho đến khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%.
"Họ có thể đang đi trên con đường vàng, nhưng đối với tôi, vẫn còn quá sớm để nói rằng chúng ta biết con đường mình đang đi… Uy tín của Fed về việc đạt được mục tiêu 2% đang được chú ý nhiều hơn, nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu đó", ông cho biết.
Trong khi đó, vẫn còn có nguy cơ thị trường lao động có thể trở nên tồi tệ hơn, điều này có khả năng kéo nền kinh tế Mỹ đi xuống và buộc Fed phải hạ lãi suất mạnh tay hơn.
Trong bài phát biểu gần đây nhất, ông Powell đã nói rằng ngân hàng trung ương đã sẵn sàng bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất. Nhưng ông không nói rõ đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên có thể lớn đến mức nào và liệu nó có chắc chắn diễn ra tại cuộc họp vào tháng 9 hay không.
Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho biết, tháng 9 hoặc tháng 11 "chắc chắn sẽ diễn ra" và việc cắt giảm lãi suất ban đầu 25 điểm cơ bản "có thể là cách phù hợp nhất để tiến về phía trước".
Chủ tịch Fed Philadelphia Patrick Harker cho biết ông kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu với mức cắt giảm 25 điểm cơ bản, nhưng ông sẽ để ngỏ khả năng cắt giảm ở mức độ nhiều hơn nếu thị trường lao động đột ngột xấu đi.