Trong cuộc họp chính sách ngày 14/12 (theo giờ địa phương), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 4,25-4,5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm.
Đây là điều đã được đa số nhà đầu tư dự đoán từ trước. Ngay sau quyết định của Fed, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm nhẹ 0,11%. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq mất lần lượt 17,87 điểm (0,44%) và 57,61 điểm (0,51%).
Phố Wall đã nóng lòng chờ đợi động thái này của Fed. Kể từ đầu năm đến nay, ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất tổng cộng 4,25 điểm phần trăm. Trong cuộc họp chính sách tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11, Fed đều tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm.
Giới quan sát cảnh báo việc Fed quá mạnh tay trong việc thắt chặt chính sách sẽ đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới vào suy thoái. Để kìm hãm lạm phát, cơ quan này buộc phải đánh đổi tăng trưởng kinh tế và thị trường việc làm.
Trước cuộc họp chính sách tháng 12 của Fed, các dữ liệu liên tục phát đi những tín hiệu trái chiều về tình hình lạm phát tại Mỹ. Các dữ liệu về thị trường lao động và chỉ số giá sản xuất (PPI) cho thấy áp lực lạm phát vẫn chưa được nới bớt.
PPI tháng 11 của Mỹ tăng 0,3% so với một tháng trước đó, cao hơn mức dự báo 0,2% của các nhà phân tích được Dow Jones khảo sát. Còn tổng số việc làm phi nông nghiệp vẫn tăng vượt ước tính bất chấp những nỗ lực của Fed.
Trong tháng 11, thu nhập trung bình mỗi giờ của người Mỹ tăng 0,6% so với tháng trước, cao gấp đôi ước tính của Dow Jones. Tiền lương cũng tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo 4,6%. Vòng xoáy lạm phát - tiền lương nguy hiểm có thể cản trở nỗ lực chống lạm phát của Fed.
Trong một bài phát biểu mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng số lượng việc làm tăng "vượt xa mức cần thiết để theo kịp tốc độ gia tăng dân số". Ông khẳng định áp lực tiền lương đang góp phần tạo ra sức ép lạm phát.
"Rõ ràng, tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ là điều tốt. Nhưng để tiền lương tăng trưởng một cách bền vững, nó cần phù hợp với mức lạm phát 2%", ông Powell bình luận.
Nhưng một số dấu hiệu khác chỉ ra lạm phát tại Mỹ đang hạ nhiệt. Theo báo cáo được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/12, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ tăng 0,1% so với một tháng trước đó và 7,1% so với một năm trước đó, thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế được khảo sát bởi Dow Jones.
Đây là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 11/2021. Một phần nguyên nhân là giá năng lượng lao dốc. Chỉ số giá của nhóm năng lượng giảm 1,6% so với tháng 10 nhờ giá xăng lao dốc 2%.
Trong bài phát biểu hồi cuối tháng 11, ông Powell xác nhận rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể giảm tốc độ tăng lãi suất ngay trong tháng 12. Tuy nhiên, ông cảnh báo chính sách tiền tệ vẫn sẽ thắt chặt cho đến khi cuộc chiến chống lạm phát có những bước tiến đáng kể.
"Đã có những bước tiến đầy hứa hẹn, nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước để bình ổn giá cả", ông Powell khẳng định trong bài phát biểu tại Viện Brookings.
Sau động thái lãi suất tháng 12 của Fed, câu hỏi tiếp theo là Fed tăng lãi suất tới khi nào. "Thời điểm điều chỉnh chính sách ít quan trọng hơn nhiều so với việc chúng ta cần tăng lãi suất bao nhiêu điểm nữa để kìm hãm lạm phát, và khoảng thời gian cần thiết để duy trì chính sách ở mức hạn chế", ông Powell nhận định.
"Có thể cần duy trì chính sách thắt chặt trong một thời gian để bình ổn giá cả. Lịch sử đã cho những bài học lớn về việc nới lỏng chính sách quá sớm", ông nhấn mạnh.