Trong cuộc họp chính sách ngày 21/9 (theo giờ địa phương), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất quỹ liên bang lên 3-3,25%, mức cao nhất kể từ đầu năm 2008.
Trước cuộc họp, hầu hết giới quan sát tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm, hay 75 điểm cơ bản, lần thứ 3 liên tiếp. Chỉ một số nhà đầu tư cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ có thể tăng lãi suất 1 điểm phần trăm để đối phó với lạm phát dai dẳng.
Theo công cụ theo dõi của CME, tính đến ngày 20/9, 16% nhà đầu tư tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất 100 điểm cơ bản.
Liên tục nâng lãi suất
Trước đó, Fed đã nâng lãi suất 2,25 điểm phần trăm trong năm nay, trong đó có hai lần tăng 0,75 điểm phần trăm vào cuộc họp tháng 6 và tháng 7.
Các quan chức Fed cũng phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lãi suất quỹ liên bang chạm mức 4,6% vào năm 2023. Trong bản cập nhật dự báo hàng quý, Fed cho rằng tăng trưởng GDP của Mỹ sẽ giảm còn 0,2% trong năm 2022 và tăng nhẹ ở các năm tiếp theo.
Vài phút sau tuyên bố nâng lãi suất của Fed, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã mất 207,74 điểm, tương đương 0,68%, còn 30.498 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng giảm lần lượt 24,54 điểm và 96 điểm.
Việc Fed nâng lãi suất mạnh tay đã được dự báo từ trước, sau báo cáo lạm phát mới nhất của Mỹ. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ đã tăng lần lượt 0,1% và 8,3% so với tháng 7 và tháng 8/2021, vượt dự báo của giới quan sát.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế được Dow Jones khảo sát cho rằng CPI sẽ giảm 0,1% so với tháng trước và tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Thay vì nhiên liệu, giá thực phẩm, chỗ ở và các dịch vụ y tế đã đẩy lạm phát tăng cao trong tháng 8. Điều này giáng đòn vào những đối tượng dễ tổn thương nhất và đặt ra câu hỏi về nguồn cơn của bão giá.
"Giá đang tăng cao trên diện rộng. Từ giá xe mới, các dịch vụ y tế đến chi phí thuê nhà, tất cả đều tăng mạnh", ông Mard Zandi - chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody's Analytics - cho biết. "Đó là điểm đáng lo ngại nhất của báo cáo (lạm phát)", ông bình luận.
Quyết tâm kìm lạm phát
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã lao dốc trong nhiều tuần qua, sau bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell hồi cuối tháng 8. Tại đó, ông khẳng định ngân hàng trung ương Mỹ sẽ quyết liệt đưa lạm phát xuống sát mức mục tiêu 2% trong dài hạn.
"Việc bình ổn giá cả đòi hỏi phải kiên quyết duy trì lập trường. Lịch sử chứng minh rằng nới lỏng chính sách quá sớm có thể mang tới tai họa lớn", lãnh đạo Fed khẳng định.
Lịch sử chứng minh rằng nới lỏng chính sách quá sớm có thể mang tới tai họa lớn
Chủ tịch Fed Jerome Powell
Nền kinh tế Mỹ có thể rơi vào một cuộc suy thoái nếu Fed quá mạnh tay trong việc nâng lãi suất. Nhưng nếu ngân hàng trung ương Mỹ không tăng đủ nhiều, Mỹ sẽ đối mặt với vòng xoáy lạm phát. Và trong kịch bản này, một cuộc suy thoái là không thể tránh khỏi.
"Khi lãi suất tăng cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại và thị trường lao động hạ nhiệt có thể kìm hãm lạm phát. Dĩ nhiên, chúng sẽ làm tổn thương các hộ gia đình và doanh nghiệp", ông Powell thừa nhận.
"Đó là cái giá không mong muốn cho việc hạ nhiệt lạm phát. Nhưng nếu không thể bình ổn giá, vết thương sẽ còn lớn hơn nhiều", ông nói thêm.
Đội ngũ chuyên gia của Citigroup thậm chí còn cho rằng lãi suất có thể tăng lên 5% nếu Fed cần phải quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống lạm phát.