Nội dung chính:
- Fed có khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % trong cuộc họp tối nay.
- Chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn cho rằng đây sẽ là lần tăng lãi suất cuối cùng trong năm của Fed.
- Có bốn nguyên nhân chính khiến Fed vẫn tăng lãi suất trong tình hình hiện nay.
1h sáng 4/5 theo giờ Việt Nam, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chính thức công bố quyết định lãi suất. Theo dự đoán, cơ quan này sẽ tiếp tục nâng mức lãi suất thêm 0,25 điểm % với mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Việc First Republic Bank sụp đổ là tín hiệu cảnh báo cho việc các chính sách tiền tệ của Fed đã quá thắt chặt trong hơn một năm qua. Ông Nguyễn Minh Tuấn nhận định, đây có thể là lần cuối Fed tăng lãi suất.
Cuộc họp của Fed lần này diễn ra trong tình hình căng thẳng hệ thống ngân hàng Mỹ chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này khiến giới phân tích cho rằng, trong ít nhất một tháng nữa, cho đến cuộc họp vào tháng Sáu tới, Fed sẽ không tăng lãi suất.
Ngày 1/5/2023, First Republic Bank chính thức là ngân hàng thứ ba tại Mỹ sụp đổ chỉ trong vòng hai tháng, sau Silicon Valley Bank và Signature Bank.
Lãi suất quỹ liên bang (Fed Fund Rate) Mỹ tăng liên tục từ năm 2022 sau các quyết định của Fed (Ảnh: Trading Economics)
Ông Tuấn cho rằng, một trong những biến số mà Ngân hàng Nhà nước phải giải chính là lãi suất. Khi cố định được mức lãi suất của Mỹ, Việt Nam rất dễ dàng để ổn định được lãi suất đồng Việt Nam, từ đó kiểm soát tỷ giá, kiềm chế lạm phát. Với mức lạm phát được kiềm chế, Việt Nam sẽ có dư địa để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng. “Nếu thúc đẩy tăng trưởng mà làm tăng lạm phát, hậu quả sau đó phải xử lý sẽ rất nhiều” - ông Tuấn nhận xét.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital
Tại sao Fed vẫn tăng lãi suất trong tình hình hệ thống ngân hàng căng thẳng?
Việc Fed tăng lãi suất trong phiên họp tối hôm nay là điều mà các chuyên gia đã dự báo trước. Đây cũng là quyết định trong chuỗi chính sách thắt chặt tiền tệ dai dẳng nhất từ trước đến nay của Mỹ.
Việc tăng lãi suất của Fed đã tác động và là một trong những nguyên nhân chính khiến ba nhà băng Mỹ sụp đổ chỉ trong thời gian ngắn. Khi lãi suất tăng, các khoản đầu tư của các ngân hàng vào trái phiếu chính phủ lập tức thua lỗ, do giá trái phiếu sụt giảm (giá trái phiếu là đại lượng biến động ngược chiều với lãi suất trái phiếu). Những khoản lỗ hàng tỷ USD, dù là trên giấy tờ, đã khiến làn sóng rút tiền diễn ra ồ ạt, cổ phiếu ngân hàng lao dốc - dẫn đến sụp đổ.
CNN đưa ra bốn nguyên nhân chính, giải thích lý do Fed vẫn tiếp tục tăng lãi suất bất chấp những rối ren gần đây của hệ thống ngân hàng Mỹ.
Thứ nhất, là kỳ vọng của thị trường. Quyết định của Fed phản ánh kỳ vọng của thị trường, đặc biệt khi kỳ vọng đó đã được phản ánh vào giá các tài sản tài chính tại Mỹ. Nếu không tăng, thị trường sẽ tin tưởng rằng cơ quan này sẽ tăng lãi suất trong tương lai. Việc không dự đoán được chính sách sẽ gây rủi ro lớn cho thị trường.
Thứ hai, Fed muốn tránh việc tăng lãi suất ngắt quãng. Dữ liệu quá khứ từ những năm 70 - 80 cho thấy, khi tăng lãi suất ngắt quãng, cơ quan này sẽ vừa thất bại trong việc kiểm soát lạm phát, vừa thất bại trong việc kích thích kinh tế.
Thứ ba, lạm phát Mỹ vẫn tăng, đặc biệt là giá các dịch vụ.
Thứ tư, Fed không thực sự lo lắng về một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng. Cho dù đã có tới ba ngân hàng sụp đổ, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy lịch sử năm 2008 sẽ lặp lại, giáo sư kinh tế học Jonathan Ernest thuộc Đại học Case Western Reserve - nói với CNN.
Nhận định của ông Nguyễn Minh Tuấn được chia sẻ tại chương trình Đi theo dòng tiền: Fed - Liệu đã là lần cuối?
Bạn đọc có thể xem toàn bộ chương trình tại đây