Theo đó, về triển vọng tổng quan, FiinGroup nhận định, trong bối cảnh vĩ mô không thuận lợi, triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp, ngân hàng niêm yết năm 2023 duy trì ở mức kém tích cực.
Theo đó, lợi nhuận được dự báo tăng chậm lại ở ngành Ngân hàng vốn đóng góp 42% tổng lợi nhuận sau thuế (LNST) và 30% tổng vốn hóa toàn thị trường, và suy giảm ở hầu hết các ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn như Bất động sản, Tài nguyên cơ bản, cụ thể là thép, Hóa chất.
Ba yếu tố khiến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết suy giảm gồm chi phí vốn tăng cao, cầu tiêu dùng trong nước và thế giới suy giảm do môi trường lãi suất cao, và nghẽn “dòng tiền” trong nền kinh tế.
Đối với yếu tố chi phí vốn tăng lên, tạo áp lực đối với tăng trưởng lợi nhuận nhiều nhóm ngành, theo FiinGroup, sau động thái tăng lãi suất điều hành gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cho vay đối với khối doanh nghiệp hiện đang ở mặt bằng cao, bình quân ở mức 10,3% ở khối NHTM nhà nước và 13%- 15% ở các NHTM cổ phần.
Dữ liệu của FiinGroup cũng nhận định trên mặt bằng chung, các doanh nghiệp niêm yết khó có thể “chịu đựng” được mức lãi suất này khi tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROIC) của họ ở mức thấp, khoảng 9,3% tính cho Q3-2022.
Theo đó, một số ngành sẽ gặp áp lực lớn trong môi trường lãi suất tăng cao gồm các nhóm ngành Bất động sản, Xây dựng, Thép, Điện tử, Thực phẩm, Bán lẻ, Than. Ngoài ra, tỷ lệ đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp này đang ở mức cao trong khi triển vọng về tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp không khả quan, đặc biệt là đối với ngành Bất động sản và Xây dựng.
Bên cạnh đó, FiinGroup cũng nhận định những nhóm ngành mang tính phòng thủ và quy mô vốn hóa nhỏ như Điện, Nước, Dược phẩm, công nghệ thông tin (CNTT) vẫ sẽ duy trì được tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2023.
Đối với ngành ngân hàng, FiinGroup nhận định trong năm 2023 sẽ đối mặt nhiều thách thức hơn cơ hội đến từ áp lực về đẩy mạnh cho vay do thị trường bất động sản vốn hấp thụ 20% tổng tín dụng gặp khó.
Bên cạnh đó, rủi ro biên lãi ròng (NIM) giảm khi lãi suất huy động tăng cao, khiến thu nhập từ lãi tăng thấp trong khi thu nhập dịch vụ không còn dồi dào như trước và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng dự kiến tăng do nhiều khoản cho vay với bất động sản có thể trở thành nợ xấu.
Đối với ngành bất động sản còn đóng góp 11,5% tổng LNST và 16,7% tổng vốn hóa toàn thị trường, đang ở trong chu kỳ đi xuống và hiện có 5 yếu tố đang gây áp lực lên triển vọng lợi nhuận.
Các yếu tố được FiinGroup chỉ ra là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết trong năm 2023 gồm tín dụng bị thắt chặt, hoạt động huy động vốn qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gần như bị đóng băng sau sự kiện Vạn Thịnh Phát.
Bên cạnh đó, các hoạt động mở bán và triển khai dự án bị ách tắc do vấn đề pháp lý cũng như môi trường lãi suất cao khiến chi phí vốn tăng lên và làm giảm nhu cầu mua nhà trong khi chi phí triển khai dự án tăng do áp dụng khung thuế đất mới.
Đáng chú ý, theo FiinGroup, triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết có thể chuyển sang trạng thái “tích cực” hơn khi xuất hiện năm tín hiệu gồm: Lãi suất huy động giảm; Dòng vốn tín dụng, bao gồm vốn vay ngân hàng và vốn huy động qua TPDN được khơi thông, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh, tỷ giá ổn định nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp dồi dào; Xuất khẩu hồi phục...