Forbes đưa tin, nền kinh tế thế giới đã trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng trong bối cảnh thế giới bị gián đoạn bởi đại dịch, nhiều nền kinh tế vẫn ghi nhận tăng trưởng và Việt Nam là một ví dụ.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người năm 2021 của Việt Nam đạt 3.694,02 USD.
"Có thể thấy, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế vượt qua tác động của đại dịch khá tốt", Forbes đánh giá.
Theo đó, năm 2019, GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 3.425,09 USD, sau đó tăng lên 3.526,27 USD vào năm 2020, và đạt 3.694,02 USD vào năm 2021. Trên thực tế, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng mạnh kể từ khoảng năm 2005.
Khi xem xét tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm, Ngân hàng Thế giới sẽ tính tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam theo đồng nội tệ cố định. Do đó, nếu chỉ tính toán tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam theo giá trị đồng USD ở thời điểm hiện tại thì số liệu sẽ không khớp với tốc độ tăng trưởng hàng năm do Ngân hàng Thế giới cung cấp.
Tính riêng giai đoạn 2020-2021, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1,72%/năm nếu tính theo giá trị của đồng Việt Nam cố định. Nếu tính theo giá trị đồng USD ở thời điểm hiện tại, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm là 4,76%.
Từ năm 2019 đến 2020, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm của Việt Nam là 2,01%. Theo Forbes, mặc dù tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn này có chậm lại so với tốc độ tăng trưởng hàng năm của giai đoạn 2018-2019 (6,13%), nhưng kết quả này vẫn vô cùng tích cực.
GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo giá trị USD ở thời điểm hiện tại giai đoạn 2006-2021
Theo dữ liệu ở bảng trên, từ năm 2006 đến 2021, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 371%, tương ứng tăng gần gấp 5 lần. Forbes nhận định, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng trưởng vô cùng ấn tượng.
Làm thế nào để Việt Nam có kết quả như vậy?
Theo dữ liệu từ OEC, vào năm 2006, sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dầu thô, chiếm 16,9% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 7,72 tỷ USD. Tuy nhiên, đến năm 2020, xăng dầu thô chỉ chiếm 0,54% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tương đương 1,64 tỷ USD. Thay vào đó, thiết bị phát thanh truyền hình đã trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào thời điểm này, chiếm 14% kim ngạch xuất khẩu, tương đương 42 tỷ USD. Đứng thứ hai là điện thoại, chiếm 7,14% tổng trị giá xuất khẩu, tương đương 21,4 tỷ USD. Xuất khẩu linh kiện điện tử đứng thứ ba, chiếm 6,48% tổng giá trị xuất khẩu và tương đương 19,4 tỷ USD.
Các thị trường xuất khẩu của Việt Nam cũng phát triển rõ rệt kể từ năm 2006. Trở lại năm 2006, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm 19,8% (9,02 tỷ USD) tổng giá trị xuất khẩu. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên 25,6% (77 tỷ USD) tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh Hoa Kỳ, Trung Quốc cũng là một trong những thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Vào năm 2006, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 5,74% (2,62 tỷ USD) tổng giá trị xuất khẩu. Đến năm 2020, Trung Quốc vươn lên vị trí thứ hai trong số các thị trường Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 16,5% (49,4 tỷ USD) tổng giá trị xuất khẩu.
Trong 10 năm qua, từ 2010 đến 2020, thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ. Theo đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang quốc gia này tăng 62,3 tỷ USD, tương ứng với tỷ lệ tăng trưởng 424%. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh thứ hai - Trung Quốc - có giá trị xuất khẩu tăng 42,7 tỷ USD nhưng tương đương với mức tăng trưởng phần trăm là 631%. Thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh thứ ba của Việt Nam là Hàn Quốc, với giá trị xuất khẩu tăng 16,4 tỷ USD nhưng tương đương với tỷ lệ tăng trưởng 503%, vượt xa tốc độ tăng trưởng tương ứng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ
Tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam có thể phần lớn là do nền kinh tế Việt Nam ngày càng đa dạng hóa. Theo OEC, trong 20 năm qua, thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng Chỉ số phức hợp kinh tế (ECI) đã tăng từ vị trí thứ 83 lên vị trí thứ 61 trên thế giới.
"Chỉ số phức tạp kinh tế" (ECI) là một thước đo tổng thể về khả năng sản xuất của 1 thành phố, khu vực hoặc quốc gia.
Xếp hạng mức độ phức tạp về kinh tế của Việt Nam tốt hơn nhiều so với các nước láng giềng như Campuchia (thứ hạng ECI là 102) hay Lào (thứ hạng ECI là 104). Năm 2017, mức độ phức tạp kinh tế của Việt Nam đã vượt qua Indonesia.
Forbes cho biết, ngay cả khi phân tích GDP bình quân đầu người của Việt Nam tính theo giá trị đồng USD vào năm 2015 thay vì giá trị đồng USD ở thời điểm hiện tại, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn rất ấn tượng.
Cụ thể, nếu tính theo giá trị đồng USD năm 2015, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2006 là 1.650,63 USD, trước khi tăng lên 3.373,08 USD vào năm 2021. Điều đó tương đương với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong 15 năm là 104,4%
"Nhìn chung, GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhất trong số tất cả các quốc gia trên thế giới. Xu hướng này phản ánh tính năng động của nền kinh tế Việt Nam và sự phát triển vượt bậc của quốc gia này trong những năm qua", Forbes nhấn mạnh.
Nguồn: Forbes