Việc bán xe với giá cao hơn mức đề xuất giúp nhiều đại lý kiếm thêm được lợi nhuận kinh doanh. Họ tận dụng thực trạng cung ít hơn cầu để đẩy giá bán xe mới, khiến khách hàng phải chi nhiều tiền hơn để sở hữu ô tô. Đồng thời, uy tín thương hiệu cũng bị giảm sút rõ rệt.
Đó là lý do tại sao General Motors và Ford đã quyết định thực hiện các biện pháp quyết liệt để chống lại các khoản tăng giá có tốc độ chóng mặt. Các thương hiệu ô tô Mỹ thậm chí cảnh báo rằng sẽ không cung cấp sản lượng theo yêu cầu cho những đại lý để tồn đọng thực trạng trên.
Các nhà sản xuất ô tô đang phải đối mặt với nhiều phản ứng dữ dội từ dư luận vì cho phép cửa hàng bán lẻ điều chỉnh giá. Giới chuyên gia cho rằng những hoạt động như thế này sẽ vẽ nên một bức tranh xấu xí về thương hiệu. Vì vậy, hãng thông tấn Fox Business tại Mỹ đưa tin rằng Ford đã cam kết loại bỏ các khoản chênh lệch không hợp lý đến từ các cửa hàng bán lẻ trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung.
Jim Farley, CEO của Ford cho biết: "Chúng tôi biết rõ hoạt động của những đại lý nào bán chênh giá. Do đó, quyền lợi của họ trong việc nhận phân bổ xe trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng".
Hiện tại, F-150 Lightning là một trong những mẫu xe "hot" nhất của Ford, lượng đặt trước đang bị quá tải nên bị bán chênh giá rất cao tại đại lý. Đồng thời, các mẫu xe như Ford Bronco, Bronco Sport, F-150 Raptor, và Mustang Mach-E cũng đều nằm trong tình trạng kênh giá.
Fox Business báo cáo rằng người đứng đầu bộ phận bán hàng của Ford có tên Andrew Frick đã gửi thư cho các đại lý để cảnh báo rằng họ có thể không nhận được sự cung cấp sản phẩm F-150 Lighting từ nhà sản xuất nếu vẫn cố tình 'bán bia kèm lạc'.
Tương tự, Chủ tịch GM Bắc Mỹ - ông Steve Carlisle cho biết công ty sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng bán xe chênh giá, đặc biệt là các mẫu xe C8 Corvette Z06, GMC Hummer EV, và Cadillac Lyriq. Theo tờ Detroit Free Press, ông Carlisle đã gửi thư tới các đại lý để cảnh báo về hành vi này. Nếu không hợp tác, các cửa hàng sẽ phải chịu trách nhiệm nặng nề.
Cụ thể, General Motors nêu rõ: "GM sẽ buộc phải hành động nếu biết được bất kỳ hoạt động bán hàng trái định quy định nào từ phía đại lý. GM có quyền chuyển hướng phân bổ xe hoặc thực hiện các biện pháp truy đòi khác theo quy định bởi Thỏa thuận Bán hàng và Dịch vụ của Đại lý".
Đại dịch Covid-19 đã dẫn tới tình trạng lạm phát, mất cân bằng cung-cầu, và thiếu nguồn cung chất bán dẫn trên toàn cầu. Thiếu chất bán dẫn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới việc sản xuất xe mới. Nhiều xe vì phải đợi chip mà không thể xuất xưởng.
Khi nguồn cung hạn chế, không đáp ứng kịp nhu cầu, giá tăng là điều dễ hiểu; đó là quy luật cung-cầu. Vì nguồn cung không đủ, một số đại lý bắt đầu bán chênh giá đối với xe có sẵn.
Đứng trên quan điểm của đại lý, họ cũng không có nhiều xe để bán, tức là doanh thu bị ảnh hưởng, nên đã tìm cách bù đắp bằng việc tăng giá xe sẵn có. Tuy nhiên, không ít đại lý cũng lợi dụng việc này. Việc bán chênh giá tới 50.000-70.000 USD đối với mẫu F-150 Lightning được cho là quá đáng.
Mức chênh 2.000-3.000 USD đối với một mẫu xe có giá bán lẻ đề xuất 50.000 USD là "hợp lý", vì suy cho cùng, giá bán lẻ đề xuất chỉ là đề xuất, đại lý không nhất thiết phải bán đúng giá đó, mà có thể điều chỉnh dựa trên tình hình thực tế.
Theo trang Investopedia, mục đích của giá bán lẻ đề xuất là tạo mặt bằng giá tương đương nhau cho các đại lý. Tuy nhiên, đại lý không nhất thiết phải bán theo giá này và người tiêu dùng không phải lúc nào cũng mua theo giá đề xuất. Sản phẩm có thể được bán thấp hơn giá đề xuất nếu công ty cần giải phóng hàng tồn, hoặc cao hơn giá đề xuất nếu nhu cầu thị trường tăng cao.
Tại thị trường Việt Nam, tình trạng đại lý thổi giá xe mới phổ biến nhiều năm nay và ngày càng gia tăng.
Dù các thương hiệu lớn cho biết họ không chủ trương kèm các khoản kênh vô lý khi kinh doanh phương tiện, nhiều cửa hàng bán lẻ vẫn ngang nhiên nâng giá xe đến mức quá đáng. Thậm chí, một số sản phẩm có tiền kênh lên tới hàng tỷ đồng, điển hình là Toyota Land Cruiser.
Kể từ khi ra mắt Việt Nam vào năm ngoái, Toyota Land Cruiser 2022 vẫn luôn bị bán chênh giá và chưa bao giờ có dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí giá “lạc” còn leo thang qua thời gian.
Lúc mới đầu, mẫu SUV cỡ lớn này bị bán chênh 400 – 500 triệu đồng tùy nơi. Bước sang tháng 5, kể cả khi giá bán của xe đã được Toyota Việt Nam điều chỉnh tăng giá 40 triệu đồng lên mức 4,1 tỷ đồng thì một số cơ sở tại Hà Nội vẫn yêu cầu khách trả thêm tới 1,3 tỷ đồng, một con số kỷ lục chưa từng có tại thị trường Việt Nam. Số tiền này suýt đủ để mua và làm thủ tục lăn bánh một chiếc Toyota Camry 2.0Q mới.
Thậm chí ngay cả đàn em của Land Cruiser là Land Cruiser Prado cũng đang chênh một khoản từ 120 – 150 triệu đồng tại đại lý. Hay Mercedes GLS chênh giá gần 700 triệu đồng tại đại lý cho các xe giao ngay.
Với Ford, hiện tượng chênh giá xảy ra với nhiều mẫu xe "hot" của thương hiệu này tại Việt Nam. Ghi nhận hồi tháng 5, mức cao nhất tại một đại lý ở Hà Nội là 90 triệu đồng cho phiên bản Ranger XLS AT (số tự động), còn lại phổ biến 20-50 triệu đồng. Mức này được áp cho tùy phiên bản, màu sơn, cũng như phụ thuộc tồn kho của đại lý.
Người mua Ford Ranger 2023 phải chi thêm khoản tiền mua gói phụ kiện đi kèm với mức giá khoảng 25 - 70 triệu đồng nếu muốn nhận xe sớm. Con số này với Everest có thời điểm lên tới 200 triệu đồng, hay như Territory mới ra mắt gần đây cũng được đánh tiếng ‘bia kèm lạc’ với mức đặt trước khoảng 20-30 triệu đồng.
Tham khảo: HotCars