Thoạt nhìn, có thể nhiều người sẽ nghĩ Dat Bike - startup xe máy điện đang nổi tại Việt Nam - được đặt theo tên người sáng lập.
Tuy nhiên, Nguyễn Bá Cảnh Sơn không chủ đích điều đó. Anh ấy muốn mọi người dồn sự mọi chú ý về “dat bike”, trong khi bản thân thì được báo giới so sánh với tỷ phú Elon Musk. Là một cách nói khác của từ “that” (cái đó), “dat” ở đây hàm ẩn sự ngạc nhiên.
“Tại thời điểm này, lợi nhuận đối với chúng tôi không quan trọng. Chúng tôi muốn giúp 200 triệu người tại Đông Nam Á có thể chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện”, anh Sơn chia sẻ với tờ Tech in Asia.
Trong bối cảnh kinh tế hiện tại, tuyên bố trên có vẻ khá tự tin, song thực tế, Nguyễn Bá Cảnh Sơn đã thuyết phục được rất nhiều nhà đầu tư góp vốn. Được thành lập vào năm 2019, Dat Bike huy động thành công tổng cộng 16,5 triệu USD, trong đó có vòng gọi vốn 8 triệu USD từ Jungle Ventures. Định giá Dat Bike theo đó chạm mốc 32 triệu USD, theo ước tính của Venture Cap Insights.
Đầu tháng này, Sơn tiếp tục ra mắt Dat Bike Weaver++ tại một sự kiện ở TP.HCM. Phiên bản thứ ba của Dat Bike, với giá 65,9 triệu đồng, có thể di chuyển được quãng đường dài 200 km chỉ với 3 giờ sạc.
Để so sánh, một chiếc xe máy Honda tầm trung thông thường có giá khoảng 40 triệu đồng, trong khi ở mảng xe điện 2 bánh, mẫu cao cấp nhất của Vinfast có giá 69,9 triệu đồng.
Với truyền thông, Nguyễn Bá Cảnh Sơn là ví dụ hoàn hảo cho một nhà sáng lập công nghệ. Anh là cựu kỹ sư phần mềm tại Thung lũng Silicon và tự mày mò cách phát triển xe điện chỉ qua những video trên YouTube.
Theo mong muốn của Sơn, xe của Dat Bike phải là “một chiếc máy điện sản xuất ở Việt Nam”. Giá của chúng phải đủ hấp dẫn, đủ cạnh tranh để có thể đánh bại xe xăng truyền thống. Được biết, Việt Nam hiện tại đang có khoảng 50 triệu xe máy và doanh số đang đi xuống trong đại dịch.
Năm 2019, nhà sáng lập Dat Bike mang ý tưởng của mình đến với chương trình Shark Tank Việt Nam và nhận được 60.000 USD đầu tư. Có ý kiến cho rằng sản phẩm của Dat Bike không thực sự phù hợp với thị trường.
Tuy nhiên, startup này là minh chứng sống cho thấy các Shark không phải lúc nào cũng đúng. Dù không chia sẻ chi tiết, Dat Bike cho biết lượng xe bán ra của startup đã tăng gấp 10 lần trong năm qua. Số lượng đơn hàng đã vượt quá năng lực sản xuất (khoảng 1.000 xe mỗi tháng).
Theo Tech in Asia, Dat Bike vừa triển khai trạm sạc Dat Charge đầu tiên tại TP.HCM, qua đó giúp giảm thời gian sạc xuống chỉ còn 20 phút cho mỗi 100 km di chuyển. Trước đó, người dùng cần sạc xe máy điện tại nhà với khoảng thời gian 3 giờ cho mỗi 200 km.
“Chúng tôi tập trung vào việc tăng tỷ suất vận hành cho sản phẩm so với giá. Điều này có nghĩa là với mỗi đồng khách hàng bỏ ra, họ sẽ nhận lại được những giá trị tốt hơn về tốc độ, phạm vi di chuyển và thời gian sạc”, anh Sơn nói.
Được biết khách hàng mục tiêu của Dat Bike là nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 45. Do xe được sản xuất theo đơn đặt hàng nên họ sẽ thường phải đợi 10 ngày để xe về tay.
Sơn đồng ý rằng Dat Bike rồi cũng sẽ phải tiến ra thị trường lớn hơn, song điều này có nghĩa là gì?
Thứ nhất, xe Dat Bike sẽ phải giống những chiếc xe máy đại trà trên đường phố Việt Nam, “thứ mà mẹ tôi có thể dùng để đi chợ”, Sơn nói. Anh không tin rằng việc trở nên phổ biến hơn có thể khiến Dat Bike mất đi sự hấp dẫn vì startup này muốn cạnh tranh dựa trên khả năng vận hành kỹ thuật thay vì thiết kế.
Mặc dù các thương hiệu nước ngoài đang thống lĩnh thị trường xe hai bánh ở Việt Nam, song các nhà sản xuất địa phương lại chiếm được ưu thế ở phân khúc xe điện hai bánh, theo một phân tích của Hội đồng Quốc tế về Giao thông Sạch (ICCT). Hồi năm 2020, VinFast dẫn đầu thị trường xe điện hai bánh tại Việt Nam với 43,4% thị phần.
Nhà sản xuất xe máy điện Đài Loan Gogoro nằm trong số các đối thủ đáng chú ý của Dat Bike, song công ty này hiện chưa có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Tại quê hương, Gogoro là thương hiệu dẫn đầu.
“Tôi nghĩ thị trường Việt Nam vẫn chưa có một chiếc xe điện nào có thể cạnh tranh được với xe xăng nếu xét ở khả năng vận hành, mức độ tin cậy và giá”, anh Sơn nói.
Ngoài việc nâng cao năng lực sản xuất, thách thức lớn khác của Dat Bike hiện tại là mở rộng mạng lưới trạm sạc - điều mà ngay cả “ông lớn” VinFast cũng chưa thể hoàn thiện.
Để có thể tồn tại được trên hành trình còn rất dài, Cảnh Sơn cho biết Dat Bike sẽ tiếp tục gọi vốn, với tham vọng phát triển ra bên ngoài thị trường Việt Nam. Indonesia có thể là thị trường tiềm năng tiếp theo, song đó là chuyện tương lai.
Được biết, xe điện của Dat Bike nhận về một số ý kiến trái chiều từ người dùng, nhất là với tình trạng sụt pin và khả năng hạn chế của xe khi leo dốc. Tuy nhiên, điều này không làm Sơn nản lòng. Anh nói đó chính là thứ Dat Bike cần để thương hiệu có thể cho ra đời những sản phẩm hoàn thiện hơn trong tương lai.
Theo: Tech in Asia