CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, FRT) vừa công bố BCTC quý 2/2023, ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 7.170 tỷ đồng - tăng 15% nhưng bất ngờ báo lỗ trước thuế 200 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đạt 14.924 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và lỗ trước thuế 198 tỷ đồng do ảnh hưởng từ mảng bán lẻ ICT.
Gần 220 tỷ đồng trong quý 2/2023 là con số lỗ ròng (lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ) lớn nhất lịch sử của công ty này. Cùng với đó, FPT Retail giảm hơn 5.000 nhân sự từ 15.481 người hồi đầu năm xuống còn 10.459 người.
Theo Công ty, giữa bối cảnh thị trường kinh tế nhiều biến động, 6 tháng qua thị trường bán lẻ ICT đối mặt với những thách thức lớn nhất trong nhiều năm qua khi thị trường chung giảm khoảng 24%, kèm theo đó là cuộc chiến cạnh tranh giá khốc liệt để giành thị phần. FPT Retail cũng đã liên tục đưa ra nhiều chính sách, chương trình khuyến mại đổi mới nhằm đem đến mức giá cùng dịch vụ tốt cho khách hàng.
Theo đó, doanh thu lũy kế chuỗi FPT Shop trong kỳ đạt 8.118 tỷ, giảm 19% so với cùng kỳ. Mức giảm này theo FRT là thấp hơn mức giảm chung của thị trường.
Ở mảng dược phẩm, FPT Long Châu đã mở mới 306 nhà thuốc, trong đó có 187 nhà thuốc mới mở trong quý 2/2023. Doanh thu trung bình đạt hơn 1 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Kết quả, tổng doanh thu lũy kế 6 tháng của hệ thống FPT Long Châu đạt mức 6.899 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ, trong đó quý 2/2023 tăng trưởng 96% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối tháng 6 năm nay, chuỗi FPT Shop có 800 cửa hàng. Trong đó có 585 cửa hàng bán gia dụng, tăng 285 cửa hàng so với đầu năm. Đồng thời, hệ thống FPT Long Châu nâng số lượng nhà thuốc có doanh thu lên đến 1.243 nhà thuốc, mở mới 306 nhà thuốc so với đầu năm, hoàn thành 77% kế hoạch mở mới năm 2023.
Công ty cũng vừa hoàn tất đầu tư giai đoạn 1 hệ thống phân phối hàng hóa tại khu vực miền Nam với giá trị đầu tư khoảng 10 triệu USD, diện tích sử dụng khoảng 30.000 m2. Trước đó, năm 2022, FPT Retail đã xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa giai đoạn 1 tại Hà Nội với diện tích sử dụng khoảng 10.000m2.