Sau khi kinh tế trải qua giai đoạn trì trệ trong những năm 1960 và 70, Trung Quốc đã mở cửa với thế giới vào những năm 1980 - và “cất cánh” trong những thập kỷ tiếp theo. Thị phần của nước này trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng gần 10 lần từ mức dưới 2% năm 1990 lên 18,4% vào năm 2021. Chưa có quốc gia nào từng tăng trưởng nhanh và thần tốc đến vậy.
Sau đó, sự đảo ngược bắt đầu. Vào năm 2022, thị phần của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới đã giảm đi một chút. Năm nay mức giảm sẽ đáng kể hơn, xuống còn 17%. Mức giảm 1,4% trong hai năm đó là mức giảm lớn nhất kể từ những năm 1960.
Những con số này được tính theo tỷ giá “danh nghĩa” - thước đo phản ánh chính xác nhất sức mạnh kinh tế tương đối của một quốc gia. Trung Quốc đặt mục tiêu giành lại vị thế cường quốc mà nước này đã nắm giữ từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19, khi thị phần của nước này trong sản lượng kinh tế thế giới đạt đỉnh 1/3, nhưng mục tiêu đó có thể tuột khỏi tầm tay.
Sự thay đổi của Trung Quốc có thể tái lập trật tự kinh tế thế giới. Kể từ những năm 1990, tỷ trọng của quốc gia này trong GDP toàn cầu tăng chủ yếu do Châu Âu và Nhật Bản sụt giảm, nhưng đây là những quốc gia có tỷ trọng khá ổn định trong hai năm qua. Khoảng trống mà Trung Quốc để lại chủ yếu đang được lấp đầy bởi Mỹ và các quốc gia mới nổi khác.
Để dễ hình dung, nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ tăng thêm 8 nghìn tỷ USD vào năm 2022 và 2023 lên 105 nghìn tỷ USD. Trung Quốc sẽ không chiếm phần nào trong số gia tăng đó, Mỹ sẽ chiếm 45% và các quốc gia mới nổi khác chiếm 50%. Một nửa phần tăng của các nước mới nổi sẽ chỉ đến từ 5 quốc gia sau: Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Brazil và Ba Lan. Đây là một dấu hiệu rõ rệt về sự thay đổi của kinh tế thế giới.
Tỉ lệ sinh thấp tại Trung Quốc đã làm giảm tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc trên thế giới từ mức cao nhất là 24% xuống còn 19% và dự kiến sẽ giảm xuống 10% trong 35 năm tới. Với tỷ lệ người lao động so với thế giới ngày càng giảm, tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn gần như là điều chắc chắn.
Hơn nữa, trong thập kỷ qua, so với các quốc gia đang phát triển, các khoản nợ của Trung Quốc đang ở mức cao lịch sử. Những yếu tố này đang làm chậm lại tốc độ tăng trưởng năng suất, được đo bằng sản lượng trên mỗi công nhân. Sự kết hợp nêu trên – bao gồm ít công nhân hơn và tăng trưởng sản lượng trên mỗi công nhân thấp – sẽ khiến Trung Quốc gặp nhiều thách thức trong việc giành lại thị phần trong nền kinh tế toàn cầu.