Nga cho phép tịch thu tài sản của phương Tây?
Financial Times (FT) dẫn lời các nguồn thạo tin cho biết, Điện Kremlin hồi đầu tháng 6 đã bí mật ra lệnh ban hành luật cho phép tịch thu tài sản của phương Tây với giá ưu đãi và đang thảo luận các biện pháp thậm chí còn hà khắc hơn để quốc hữu hóa hoàn toàn các tập đoàn này.
Nguồn tin của FT cho biết, nhóm cố vấn kinh tế của Tổng thống Nga Vladimir Putin muốn vấn đề quốc hữu hóa sẽ là một phần của cách tiếp "cây gậy và củ cà rốt" nhằm trừng phạt các nước phương Tây đã tịch thu tài sản của Nga và trao thưởng cho các nước tuân theo luật chơi của Điện Kremlin.
Tờ báo Anh cho biết, sắc lệnh bí mật của Kremlin (mà tờ này nắm được nội dung) sẽ trao cho nhà nước Nga quyền ưu tiên mua bất cứ tài sản nào mà phương Tây đang rao bán với giá chiết khấu sâu để có thể bán lại kiếm lời.
Sắc lệnh của ông Putin đã được gửi tới nội các của ông và được ký ngay sau đó, cũng yêu cầu tất cả những công ty tư nhân của Nga mua tài sản phương Tây phải là công ty có 100% vốn trong nước hoặc đang trong quá trình loại bỏ các nguồn vốn nước ngoài. Yêu cầu này làm phức tạp thêm thủ tục rời khỏi Nga của các công ty này trong tương lai.
Theo các tiêu chí lần đầu tiên được công bố vào tháng 12/2022, các công ty phương Tây được yêu cầu giảm giá cho người mua của Nga ít nhất là 50% giá trị tài sản và đóng góp tự nguyện vào ngân sách từ 5-10% giá thỏa thuận.
Phát ngôn viên của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov nói với FT rằng, các nhà đầu tư và các công ty phương Tây "rất được chào đón" ở Nga nhưng lưu ý rằng một số công ty khác đã quyết định rời khỏi Nga trong tình trạng thua lỗ nặng.
Theo ông Peskov: "Nếu một công ty không thực hiện nghĩa vụ của mình, thì tất nhiên, nó sẽ bị xếp vào loại các công ty kém. Chúng tôi sẽ nói lời tạm biệt với các công ty này. Và việc chúng tôi làm gì với tài sản của họ sau đó là việc của chúng tôi."
Quan sát để tiếp tục hành động
Những người thân cận của Tổng thống Putin đã tranh luận về việc quốc hữu hóa các công ty phương Tây kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bắt đầu.
Vào tháng 4/2023, Nga đã tiếp quản các công ty con tại địa phương thuộc hãng Fortum của Phần Lan và Uniper của Đức. Động thái này được cho là để đáp lại việc phương Tây tịch thu các tài sản của Nga ở nước ngoài. Quyết định của Điện Kremlin là dành riêng cho 2 công ty nói trên.
Trong khi cân nhắc khả năng mở rộng cách tiếp cận như trên đối với hàng nghìn công ty khác của phương Tây ở Nga, Kremlin sẽ theo dõi xem điều gì sẽ xảy ra với khoảng 300 tỷ euro tài sản của Ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng ở phương Tây.
Moscow không muốn các công ty rời đi?
Theo FT, các quan chức kinh tế Nga đang lo lắng về việc mất đi vai trò quan trọng mà các doanh nghiệp phương Tây đóng góp trong nhiều lĩnh vực kinh tế của đất nước.
Điện Kremlin cũng sốt sắng tìm kiếm các nguồn thu nhập mới cho ngân sách trong bối cảnh doanh thu từ xuất khẩu năng lượng giảm và chi tiêu quân sự tăng khiến thâm hụt ngân sách lên tới 42 tỷ USD trong năm nay.
Thống đốc ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina là một trong những người có vai trò lớn trong việc hạn chế các công ty nước ngoài rút vốn và cảnh báo các công ty về việc quốc hữu hóa. Ngân hàng trung ương Nga lo ngại rằng, dòng vốn nước ngoài tháo chạy có thể làm suy yếu đồng rúp và hạn chế các lựa chọn cho những nhà đầu tư của Nga.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã ủng hộ việc các công ty phương Tây rút lui như một cách để tăng thêm doanh thu cho ngân sách.
FT chỉ ra, các quy tắc, theo sắc lệnh của ông Putin, cũng yêu cầu chủ sở hữu mới phải niêm yết 20% tài sản trên thị trường chứng khoán Nga.
Một nhà quản lý doanh nghiệp phương Tây cấp cao ở Moscow đánh giá: "Nhìn chung, Nga không muốn các công ty rời đi. Ngược lại, họ muốn việc các công ty này rời khỏi Nga trở nên phức tạp hơn. Đồng thời, họ muốn khuyến khích hành động tốt từ các doanh nghiệp."