Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) và Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu khí đốt Nga đi qua những đường ống mà Nga đã cắt cung - nguồn tin là quan chức tham gia các cuộc thảo luận tiết lộ với tờ Financial Times. Đây sẽ là động thái cấm vận khí đốt Nga đầu tiên của phương Tây kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra.
Nguồn tin nói rằng kế hoạch trên sẽ được các nhà lãnh đạo G7 hoàn tất tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm tại Hiroshima, Nhật Bản trong tuần này. Một động thái như vậy sẽ không cho phép nối lại xuất khẩu khí đốt Nga qua những đường ống đi qua các quốc gia như Ba Lan và Đức - những tuyến mà Moscow đã giảm mạnh cung cấp khí đốt từ năm ngoái và gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng trên toàn châu Âu.
Sau khi đã áp nhiều biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Nga, các cường quốc phương Tây muốn siết chặt thêm nguồn thu ngân sách Nga từ xuất khẩu năng lượng, nhằm buộc Nga phải từ bỏ cuộc chiến tranh đã kéo dài 15 tháng với Ukraine.
Một nguồn tin là quan chức đề nghị không tiết lộ danh tính nói rằng tính toán này của G7 “nhằm đảm bảo rằng các đối tác không thay đổi ý định trong một tương lai giả định”.
Một dự thảo tuyên bố của G7 do Financial Times thu thập được cho thấy nhóm này sẽ tiếp tục buộc Nga phải giảm sử dụng nguồn tài nguyên năng lượng, “bao gồm ngăn chặn việc mở cửa trở lại những tuyến đường ống dẫn khí đốt mà Nga đã đóng cửa trước đây như một cách để ‘vũ khí hóa’ năng lượng”, ít nhất cho tới khi “có một giải pháp cho cuộc khủng hoảng”.
Một quan chức châu Âu không thuộc G7 nói động thái của nhóm này có thể còn có mục đích khuyến khích nhà đầu tư rót vốn vào các dự án hạ tầng khí hóa lỏng (LNG) ở cả châu Âu và Bắc Mỹ, thông qua xóa bỏ mối lo rằng nguồn cung khí đốt giá rẻ từ Nga sẽ nhanh chóng trở lại.
Biện pháp mới của G7 sẽ khó có ảnh hưởng tức thì đến dòng chảy khí đốt, nhưng thể hiện quyết tâm sâu sắc của châu Âu nhằm tạo ra một cuộc dịch chuyển nhanh chóng và vĩnh viễn, dù nhiều đau thương, khỏi sự phụ thuộc đã kéo dài nhiều thập kỷ vào nguồn cung khí đốt Nga.
Lệnh cấm này chủ yếu mang tính biểu tượng, vì khi bắt đầu chiến tranh, EU đã tránh nhắm các biện pháp trừng phạt vào các dòng chảy khí đốt Nga do sự phụ thuộc rất lớn của khu vực vào nguồn cung khí đốt của Moscow. Nga đã hành động trước bằng cắt giảm nguồn cung, khiến giá khí đốt tăng vọt lên hơn 10 lần so với mức bình thường. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, giá khí đốt ở châu Âu đã giảm đáng kể khi các nước trong khu vực cắt giảm thành công nhu cầu tiêu thụ khí đốt trong mùa đông, đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, và tìm nguồn cung cấp thay thế như nhập khẩu LNG bằng đường biển.
Tỷ trọng khí đốt Nga trong nhập khẩu khí đốt của châu Âu đã giảm từ hơn 40% trước chiến tranh xuống còn chưa đầy 10%. Ngoài ra, mùa đông không quá lạnh đã giúp cải thiện mức dự trữ khí đốt của EU.
Giới chức châu Âu tự tin rằng lượng khí đốt tồn kho lớn, đạt mức 60% công suất dự trữ so với chỉ khoảng 30% cùng kỳ năm ngoái, sẽ tăng lên mức “kịch kim” trước khi bước vào mùa đông tiếp theo.
“Với lượng dự trữ khí đốt của châu Âu cao bất thường so với thời điểm này hàng năm và giá bán buôn khí đốt đang giảm dần về mức bình thường, có thể hiểu tại sao các nhà lãnh đạo châu Âu tin tưởng rằng kế hoạch này trước mắt sẽ không gây ra tình trạng đảo lộn nguồn cung”, chuyên gia Tom Marzec-Manser của công ty tư vấn năng lượng ICIS nhận định.
“Tuy nhiên, điều quan trọng là không nên quá tự mãn khi nhìn về triển vọng thị trường khí đốt châu Âu”.
Các đường ống dẫn dầu từ Nga sang châu Âu mà Moscow đã cắt giảm nguồn cung, bao gồm phần phía Bắc của đường ống Druzhba cung cấp cho các nhà máy lọc dầu ở Đức và Ba Lan, cũng có thể bị châu Âu khóa vĩnh viễn theo kế hoạch mà G7 đang vạch ra, nhằm không cho phép dòng chảy được nối lại.
Kế hoạch trên đang được các nhà ngoại giao G7 thảo luận, là một phần trong gói trừng phạt thứ 11 của EU đối với Nga.
Một nhà ngoại giao EU nói rằng đề xuất cần được Brussels làm rõ hơn để cho thấy “hiện trạng” sẽ thay đổi như thế nào, đặc biệt là khi một lượng dầu xuất khẩu của Kazakhstan cũng chảy qua Druzhba. “Biện pháp này sẽ hoạt động như thế nào là điều cần phải làm rõ”, vị này phát biểu.
Dù đang được hưởng một số miễn trừ trong lệnh trừng phạt nhằm vào dầu Nga, Đức và Ba Lan năm ngoái đã tuyên bố sẽ tự nguyện chấm dứt việc nhập khẩu dầu Nga của Druzhba. Dù vậy, Ba Lan vẫn mua dầu qua đường ống này cho tới khi Nga cắt cung cấp vào tháng 2 năm nay. Các nhà máy lọc dầu ở Đức đã dừng đặt hàng dầu Nga từ đầu năm nay.
Một số đường ống dẫn khí đốt chính từ Nga sang châu Âu, gồm Nord Stream 1 và Nord Stream 2, đã bị phá hoại vào năm ngoái và hiện chỉ còn 1 trong số 4 đường ống lớn còn hoạt động. Tuy nhiên, những đường ống khác như Yamal dẫn tới Ba Lan vẫn duy trì bình thường.