Bộ Xây dựng vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý I. Theo đó, cơ quan này đánh giá thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực với những chỉ đạo, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành.
"Thị trường đã có những dấu hiệu tích cực, niềm tin của nhà đầu tư được phục hồi, một số dự án được tiếp tục triển khai sau một thời gian phải tạm dừng, lượng tìm kiếm và giao dịch bất động sản đã dần tăng lên, đặc biệt vào cuối quý I", Bộ Xây dựng đánh giá.
Tuy nhiên, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, cơ quan quản lý nhận thấy thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Giá chung cư tăng, giá đất nền giảm
Trong quý I, nguồn cung về nhà ở thương mại vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV/2022.
Cụ thể, cả nước chỉ có 17 dự án được cấp phép (bằng khoảng 44% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, Hà Nội và TP.HCM chỉ có 4 dự án được cấp phép. Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm có 698 dự án với 398.592 căn đang triển khai xây dựng; 14 dự án với 5.909 căn đã hoàn thành xây dựng.
Đối với dự án nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, trong quý I, cả nước chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới, 5 dự án với quy mô 1.908 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai; 4 dự án với quy mô 934 căn hộ đã hoàn thành xây dựng.
Đáng chú ý, trong 3 tháng đầu năm, có 106.401 giao dịch thành công, chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền (lượng giao dịch đối với đất nền chỉ đạt 43,8% so với quý I/2022). Tuy nhiên, lượng giao dịch đối với nhà ở chung cư và nhà ở riêng lẻ tăng 193% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo cơ quan quản lý, trong quý đầu năm, giá giao dịch bình quân các loại căn hộ chung cư tăng, giảm ở một số dự án tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Mức tăng một số dự án dao động 3,5-4,1%. Đơn cử: Vinhomes Metropolis (Ba Đình) tăng khoảng 3,5% (lên mức 99,1 triệu đồng/m2), Hưng Vượng 2 (quận 7) tăng khoảng 4% (lên mức 34,8 triệu đồng/m2).
Trong khi đó, mức tăng một số dự án dao động 3,8-6,1%. Đơn cử, Home City (Cầu Giấy) giảm khoảng 5,6% (xuống mức 44,6 triệu đồng/m2), The Grand Manhattan (quận 1) giảm khoảng 4,4% (xuống 163,6 triệu đồng/m2)...
Trong khi đó, giá giao dịch thứ cấp nhà ở riêng lẻ và đất nền trong quý I có xu hướng giảm so với quý trước. Cụ thể, giảm khoảng 3,5-7% (giảm nhiều ở Đà Nẵng, Hải Phòng, Khánh Hòa); giá giao dịch thứ cấp đất nền tại các dự án hiện hữu giảm khoảng 4,5-8% (giảm nhiều ở các địa phương Đồng Nai, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP.HCM).
Cơ quan quản lý đánh giá phân khúc bất động sản biệt thự, đất nền dự án ở nhiều địa phương hầu như có xu hướng giảm giá và ít có giao dịch do giá cao trước đó và niềm tin của khách hàng vẫn còn thấp, cùng với chi phí lãi vay và các chi phí cơ hội khác.
Sau khi Nghị định 10/2023 được ban hành, các căn hộ condotel tại nhiều khu vực vẫn đang bị rao bán cắt lỗ nhưng vẫn khó tìm người mua. Giá giao dịch sơ cấp trong quý có xu hướng giảm so với quý IV/2022, đồng thời trên thị trường thứ cấp xuất hiện tâm lý chấp nhận cắt lỗ giảm giá sâu của nhà đầu tư.
Số môi giới đang hoạt động chỉ còn khoảng 30-40%
Tổng lượng tồn kho bất động sản trong quý I/2023 vào khoảng 18.808 căn, nền (bao gồm chung cư, riêng lẻ, đất nền). Trong đó: chung cư (2.572 căn); nhà ở riêng lẻ (9.123 căn); đất nền (7.113 nền). Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở loại bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.
Bộ Xây dựng đánh giá các doanh nghiệp bất động sản trong quý I vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý giảm 63% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp (tăng 30,2%) và 1.816 doanh nghiệp (tăng 60,7%) so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Theo cơ quan quản lý, một số khó khăn chủ yếu của doanh nghiệp là tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng, chi phí của doanh nghiệp cũng tăng cao...
Về hoạt động của các sàn giao dịch, trong quý I có thêm 30-50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động so với quý trước. Đồng thời, Bộ Xây dựng ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so với giai đoạn đầu năm 2022.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy đến 28/2, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản khoảng 859.394 tỷ đồng.
Đặc biệt, về tình hình phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết việc huy động vốn của các doanh nghiệp thông qua thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu vẫn còn khó khăn mặc dù đã có những tín hiệu tích cực từ việc ban hành Nghị định 08/2023.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu, tính đến ngày 28/3, có 11 đợt phát hành riêng lẻ và 4 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị hơn 5.500 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng rà soát, tháo gỡ từng vấn đề vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Các bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, kịp thời phối hợp đồng bộ hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra, đôn đốc các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.
Bộ Tài chính chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc: Điều kiện duy trì tỷ lệ góp vốn không thấp hơn 26% khi di dời doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; về việc doanh nghiệp nhà nước có chuyển mục đích sử dụng đất; phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.