Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) tại Mỹ, 2.193.869 chiếc xe điện của Tesla nằm trong diện triệu hồi do không đạt chuẩn về giao diện bảng đồng hồ taplo. Cụ thể, các đèn báo tín hiệu lỗi và an toàn của xe trên bảng đồng hồ taplo (phanh tay, báo số, báo ABS kích hoạt...) có kích thước nhỏ hơn 1/8 inch (khoảng 3,175 mm).
Điều này không đáp ứng đúng theo yêu cầu của Tiêu chuẩn an toàn cho phương tiện cơ giới liên bang (FMVSS) số 105 (các hệ thống thủy lực và hệ thống phanh điện tử) và số 135 (hệ thống đèn báo tín hiệu phanh). Cơ quan chức năng cho rằng thiết kế trên có thể dẫn đến việc người lái khó theo dõi các đèn tín hiệu của xe, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn.
Những mẫu xe bị triệu hồi bao gồm dòng Model S đời 2012 - 2023, Model X đời 2016 - 2024, Model 3 đời 2017 - 2023, Model Y đời 2019 - 2024, và ngay cả mẫu bán tải vừa mới ra mắt Cybertruck đời 2024.
Đây cũng là lần đầu tiên Tesla Cybertruck bị triệu hồi kể từ thời điểm bàn giao cho khách hàng, bắt đầu từ tháng 11/2023. Mẫu xe này cũng đã dần xuất hiện trên đường phố, và tai nạn đầu tiên của Cybertruck được ghi nhận vào tháng 12/2023.
Lỗi giao diện này được phát hiện trong một đợt kiểm tra tuân thủ đối với mẫu Tesla Model Y đời 2023 vào ngày 8/1. Sau đó, hãng xe điện đã tự nguyện đưa ra quyết định thu hồi và xác định 3 yêu cầu bảo hành liên quan đến tình trạng này vào ngày 24/1. May mắn thay, không có báo cáo nào về tai nạn hoặc thương tích liên quan đến lỗi này.
Tesla đã khắc phục sự cố thông qua bản cập nhật trực tuyến (OTA) với bản phát hành phần mềm 2023.44.30.13. Chương trình khắc phục bao gồm tăng cỡ chữ trên 1/8 inch theo quy định của FMVSS.
Không giống như các đợt thu hồi khác, thương hiệu này không có kế hoạch cung cấp kế hoạch bồi thường cho khách hàng vì “không có khoản phí sửa chữa nào liên quan đến lỗi này”. Bản cập nhật OTA được Tesla cung cấp miễn phí. Phương pháp này cũng được hãng áp dụng khi giải quyết lỗi camera lùi của hơn 200.000 chiếc Tesla vào tháng trước.
Doanh số kém hơn dự đoán, người dùng mất niềm tin vào chất lượng sản phẩm, hệ thống cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng... khiến nhiều ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô bắt đầu đặt dấu chấm hỏi lớn cho tương lai của xe điện, trong đó có GM.
Trong khi đó, Toyota lại cho thấy bước đi hợp lý khi ưu tiên việc phát triển xe hybrid so với trào lưu chạy theo xe điện trên toàn cầu. Để thuyết phục khách hàng tiếp tục lựa chọn sản phẩm của mình, Tesla phải làm được nhiều hơn những vụ triệu hồi và kiện cáo liên quan đến các tính năng của xe.
Theo Carbuzz