Theo thông tin từ VAMC, sàn giao dịch nợ đã thực hiện đăng tải thông tin, niêm yết khoản nợ, tài sản đảm bảo của khoản nợ trên website của sàn với giá trị tổng dư nợ khoảng 38.000 tỷ đồng.
Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, đã có hơn 781 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng được xử lý thông qua sàn giao dịch nợ.
Bên cạnh thực hiện nghiệp vụ môi giới, tư vấn, từ tháng 8/2022 Hội đồng thành viên VAMC phê duyệt chủ trương triển khai thực hiện thí điểm mua bán và xử lý các khoản nợ theo giá trị thị trường có giá trị nhỏ. Qua đó, từng bước hoàn thiện mô hình hoạt động của sàn giao dịch nợ.
Theo TS Cấn Văn Lực, thị trường mua bán nợ ở Việt Nam hiện nay vẫn giống như “chợ làng”, “chợ cóc”, chỉ có một nhóm người nhỏ túc tắc mua bán với nhau. Trong khi đó, nguồn cung khá dồi dào, minh chứng là dư nợ đến hết tháng 9/2022 là 11,6 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 134% GDP. Theo TS Cấn Văn Lực, để có một “siêu thị” mua bán nợ, Việt Nam cần giải quyết được vấn đề về hành lang pháp lý cũng như thị trường thứ cấp.
Qua đó, để các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thì trường thì hành lang pháp lý phải chắc chắn, hoàn chỉnh để họ cảm thấy an toàn khi giao dịch.
Bên cạnh đó phải hiểu là, khoản nợ cũng là một loại hàng hóa kinh doanh nên cũng cần một thị trường mua đi bán lại dễ dàng. Trong khi tại Việt Nam, việc mua đi bán lại khoản nợ hiện nay còn khó khăn.
Do vậy, mặc dù giá trị nợ xấu được xử lý thông qua sàn giao dịch nợ VAMC chưa lớn nhưng đây là những kết quả bước đầu trong việc tạo lập thị trường tập trung, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư quan tâm đến việc mua bán, xử lý nợ gặp gỡ với các bên có nhu cầu bán nợ xấu, tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu.
Theo VAMC, sàn giao dịch nợ đang hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng website giai đoạn 2 với những tính năng mới để thuận tiện hơn cho tổ chức tín dụng trong việc tự cập nhật cũng như tự đăng tải các thông tin về bán nợ, bán tài sản đảm bảo, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong việc truy cập để tiếp cận các thông tin từ tổ chức tín dụng.
Ở các thị trường phát triển, để một món nợ được cập nhật trên sàn giao dịch nợ của quốc gia thì nó phải bao gồm cả ngàn trường thông tin. Tất cả những trường thông tin này đều được kết nối với dữ liệu lớn. Chẳng hạn dữ liệu về giao dịch mua bán nhà đất; rồi tình trạng pháp lý của tài sản đảm bảo cũng như thông tin về doanh nghiệp… Tất cả những thông tin đó được cung cấp cho nhà đầu tư để đảm bảo họ có thể đánh giá một cách chi tiết và chính xác khoản nợ xấu được rao bán, từ đó thúc đẩy được nhu cầu của các nhà đầu tư.
Mặc dù đã bước đầu hình thành “chợ” mua bán nợ tập trung do VAMC chịu trách nhiệm vận hành, song các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh Việt Nam rất cần một định chế dẫn dắt nếu muốn phát triển thị trường mua bán nợ. Ngoài ra, tổ chức này cũng phải có chức năng nhất định trong việc tham mưu cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành quy định pháp luật, nhận diện được các rào cản đối với thị trường để đề xuất các phương án tháo gỡ.
Ngoài ra, cùng với định chế dẫn dắt, Việt Nam cũng cần đa dạng các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ. Thực tế hiện nay, các chủ thể tham gia thị trường mua bán nợ ở Việt Nam còn rất sơ khai, chưa đa dạng chủ thể tham gia. Để hình thành thị trường, bên cạnh bên mua, bên bán còn cần các bên trung gian cung cấp dịch vụ uy tín như định hạng tín nhiệm, thẩm định giá, môi giới…. Đó là chưa kể, nếu muốn chứng khoán hóa nợ xấu thì còn phải có những định chế và khung khổ pháp lý hoàn chỉnh.