Trong một ngày nóng ẩm tại Bờ Đông nước Mỹ, một con tàu container khổng lồ tiến dần vào cảng Baltimore, chứa đầy gỗ ván ép, nhôm và chất phóng xạ. Tất cả đều có nguồn gốc từ các cánh đồng, rừng và nhà máy của Nga.
Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố sẽ “gây đau đớn” và giáng đòn vào Moscow. Mỹ áp dụng các hạn chế thương mại đối với các mặt hàng như vodka, kim cương và xăng dầu sau khi Nga và Ukraine xảy ra xung đột sáu tháng trước.
Nhưng hàng trăm loại hàng hóa có xuất xứ từ Nga không bị trừng phạt, trị giá hàng tỷ USD vẫn tiếp tục chảy vào các cảng biển của Mỹ.
Hãng tin AP phát hiện hơn 3.600 lô hàng gỗ, kim loại, cao su và các hàng hóa khác của Nga đã cập cảng Mỹ kể từ khi cuộc xung đột xảy ra vào cuối tháng 2. So với 6.000 lô hàng cùng kỳ năm 2021, đây là một sự sụt giảm đáng kể, nhưng nó vẫn tạo ra giá trị thương mại hơn một tỷ USD mỗi tháng.
Khó thoát khỏi hàng hóa Nga
Trên thực tế, không ai mong muốn quá trình giao thương sẽ dừng lại sau cuộc xung đột. Việc cấm nhập khẩu một số mặt hàng nhất định có thể sẽ gây hại nhiều hơn cho các doanh nghiệp và chính quyền Mỹ.
“Khi chúng tôi áp đặt các biện pháp trừng phạt, nó có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu. Vì vậy, công việc của chúng tôi là cân nhắc xem biện pháp trừng phạt nào mang lại tác động nhiều nhất, đồng thời cho phép thương mại toàn cầu hoạt động”, Đại sứ Jim O'Brien, người đứng đầu Văn phòng Điều phối Trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.
Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế toàn cầu phụ thuộc lẫn nhau đến mức các biện pháp trừng phạt phải được giới hạn về phạm vi để tránh đẩy giá lên trong một thị trường vốn đã bất ổn.
Nga không chỉ chịu lệnh trừng phạt của Mỹ. Lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) và Vương quốc Anh dẫn đến các quy tắc thương mại phức tạp, gây nhầm lẫn cho người mua, người bán và các nhà hoạch định chính sách.
Chính quyền Biden và EU đã công bố danh sách các công ty Nga bị trừng phạt và cấm nhập khẩu. Tuy nhiên, theo điều tra của AP, ít nhất một công ty trong danh sách đang bán hàng triệu USD kim loại cho các công ty Mỹ và châu Âu. Công ty này thậm chí vẫn đang cung cấp kim loại cho quân đội Nga sản xuất máy bay chiến đấu.
Một số nhà nhập khẩu Mỹ đang tìm nguồn cung ứng vật liệu thay thế, nhưng nhiều người nói rằng họ không có lựa chọn khác. Đối với gỗ, các khu rừng bạch dương của Nga tạo ra loại gỗ cứng, chắc chắn. Hầu hết đồ nội thất lớp học, sàn nhà tại Mỹ được làm từ gỗ Nga.
Các container từ Nga chứa gối ngủ, ngũ cốc, giày cử tạ, thiết bị khai thác tiền điện tử cập cảng Mỹ hầu như mỗi ngày. Điều này cho thấy rằng một số mặt hàng là hợp pháp và thậm chí được chính quyền Biden khuyến khích.
Hơn 100 lô hàng phân bón đã đến Mỹ kể từ cuối tháng 2. Các sản phẩm hiện bị cấm như dầu khí của Nga cũng tiếp tục cập cảng Mỹ trong giai đoạn “hạ nhiệt”, cho phép các công ty hoàn thành hợp đồng hiện có.
Trong năm nay, gần 4.000 tấn đạn của Nga đã đến Mỹ và phân phối cho các cửa hàng súng đạn. Một số được bán bởi các công ty nhà nước Nga.
Các lô hàng uranium hexafluoride trị giá hàng triệu USD từ một công ty nhà nước Nga cũng được vận chuyển đến Westinghouse Electric Co. ở Nam Carolina. Vật liệu hạt nhân không bị trừng phạt.
Một số sản phẩm Nga được trung chuyển qua Mỹ để đến Mexico và Canada. Các linh kiện xe Toyota đã đến New Orleans vào tháng trước và tiếp tục hành trình tới một nhà máy Mexico.
Nguồn gốc không rõ ràng
Trong một số trường hợp, rất khó để phân biệt nguồn gốc các sản phẩm được vận chuyển ra khỏi Nga. Nhiều công ty năng lượng Mỹ đang nhập khẩu dầu từ Kazakhstan thông qua các cảng của Nga. Tuy nhiên, các lô dầu này có thể bị trộn lẫn với dầu của phía Nga.
Các chuyên gia thương mại cảnh báo rằng các nhà cung cấp Nga không đáng tin cậy. Cấu trúc không rõ ràng của hầu hết công ty lớn ở Nga gây khó khăn cho việc xác định liệu họ có quan hệ với chính phủ hay không.
“Có một quy tắc, khi chịu lệnh trừng phạt, bạn sẽ tìm cách buôn bán bất hợp pháp. Dù vậy, các biện pháp trừng phạt vẫn có tác động nhất định. Nếu không thể cắt đứt 100% doanh thu, các biện pháp sẽ khiến doanh thu giảm”, Konstantin Sonin, nhà kinh tế học người Nga, giảng viên tại Đại học Chicago, cho biết.
Nhiều công ty Mỹ đang tìm cách cắt đứt thương mại với Nga. Vào tháng 5, bia Coors đã trả lại lô hàng hoa bia cho một công ty nhà nước Nga nhằm thực hiện cam kết đình chỉ hoạt động kinh doanh.
Nga và Mỹ chưa bao giờ là đối tác thương mại lớn. Vì vậy, việc trừng phạt nhập khẩu chỉ là một phần rất nhỏ trong chiến lược trả đũa.
Các hạn chế xuất khẩu từ Mỹ, đặc biệt là công nghệ, gây thiệt hại nhiều hơn cho nền kinh tế Nga. Việc trừng phạt Ngân hàng Trung ương Nga đã đóng băng quyền truy cập của nước này vào khoảng 600 tỷ USD dự trữ tiền tệ nằm trên khắp nước Mỹ và châu Âu.
Kim loại
Nga là nước xuất khẩu chủ chốt các kim loại như nhôm, thép và titan. Cắt đứt quan hệ thương mại có thể khiến giá cả những sản phẩm này tăng đáng kể, đặc biệt khi người Mỹ vốn đang vật lộn với lạm phát.
“Mục đích cơ bản của các biện pháp trừng phạt là cố gắng khiến đối phương thiệt hại tối đa và giúp mình chịu ảnh hưởng tối thiểu”, Jacob Nell, nhà kinh tế của Morgan Stanley, cho biết.
Phần lớn các công ty Mỹ kinh doanh kim loại có quan hệ lâu dài với phía cung cấp Nga. Việc buôn bán, đặc biệt là nhôm, hầu như không bị gián đoạn kể từ khi xung đột bắt đầu.
AP đã tìm thấy hơn 900 lô hàng kim loại với tổng khối lượng 264 triệu tấn kể từ tháng 2. Nga là một trong những nhà sản xuất nhôm thô lớn nhất và là nhà xuất khẩu quan trọng đối với toàn cầu.
“Giống như tất cả nhà sản xuất khác, chúng tôi cảm nhận được tác động về chi phí năng lượng và các áp lực lạm phát khi cuộc xung đột trở nên trầm trọng hơn”, Matt Meenan, người phát ngôn của Hiệp hội Nhôm tại Mỹ, cho biết.
Nhôm Nga xuất hiện trong các bộ phận xe hơi, máy bay, vỏ lon, dây cáp, thang và giá đỡ tấm năng lượng mặt trời của Mỹ.
Nhà nhập khẩu nhôm lớn nhất nước Mỹ vào đầu năm 2022 là một công ty con thuộc gã khổng lồ nhôm toàn cầu Rusal, có trụ sở chính tại Nga. Vào tháng 4, các giám đốc cấp cao của Rusal America đã mua lại công ty và đổi tên thành PerenniAL. Chỉ trong tháng 7, PerenniAL đã nhập khẩu hơn 35.000 tấn nhôm từ Nga.
Ngoài ra, các nhà thầu của chính phủ Mỹ cũng chọn nguồn nguyên liệu từ Nga. Boeing, công ty hàng không vũ trụ lớn nhất thế giới, đã nhập khẩu 20 tấn nhôm từ Kamensk-Uralsky Metallurgical Works trong tháng 5.
Mỹ cấm xuất khẩu sang Kamensk-Uralsky vì cung cấp kim loại cho quân đội Nga, nhưng không đặt ra hạn chế nào đối với hàng nhập khẩu. Một đại diện của Boeing cho biết công ty đã đưa ra quyết định chấm dứt thương mại với Nga vào tháng 3 và giải thích rằng lô hàng đến vào tháng 6 đã được mua 4 tháng trước đó.
Gỗ
Nga sở hữu một trong những khu rừng lớn nhất thế giới và xuất khẩu gỗ lớn thứ hai. Nước này nắm giữ những nhà máy duy nhất có thể sản xuất ván ép bạch dương chắc chắn, bền bỉ.
Năm nay, chính quyền Biden bắt đầu áp thuế đối với gỗ xuất khẩu của Nga. Động thái này khiến Ronald Liberatori, chủ sở hữu công ty bán gỗ bạch dương Nga, không hài lòng.
“Có một vấn đề, Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới sản xuất sản phẩm này. Không có nguồn thay thế”, ông cho biết.
Ngoài thuế quan, ông Liberatori còn phải đưa ra một trái phiếu trị giá 800.000 USD nhằm đảm bảo sẽ nộp thuế.
“Ai đang trả tiền cho việc này? Ai? Mọi cá nhân ở Mỹ. Chúng tôi rất khó chịu với những gì ông Biden đã làm. Đây là một vấn đề giữa các chính phủ”, ông nói thêm.
Liberatori cho rằng những người ra quyết định cần xem xét ai sẽ bị tổn thương nhiều hơn bởi thuế quan trước khi áp đặt.
Một nhà nhập khẩu gỗ và giấy khác đã dừng đặt hàng kể từ tháng 2. Tuy nhiên, họ vẫn còn một đơn hàng gỗ xẻ ở Nga. Lô hàng cuối cùng đã đến Mỹ vào tháng 7.
Nhiên liệu
Vào hôm 8/3, Tổng thống Biden tuyên bố Mỹ cấm nhập khẩu dầu, khí đốt và năng lượng của Nga, “nhắm vào động mạch chính của nền kinh tế Nga”.
“Điều đó có nghĩa là dầu của Nga sẽ không còn được chấp nhận tại các cảng của Mỹ”, ông nói.
Trong vài giờ sau, có báo cáo rằng một con tàu chở một triệu thùng dầu của Nga đến Mỹ đã chuyển hướng sang Pháp.
Tuần đó, khoảng một triệu thùng dầu thô Nga đã đến ngoài khơi cảng Philadelphia, hướng đến nhà máy lọc dầu Monroe Energy của Delta Airlines. Một tàu khác với khoảng 75.000 thùng dầu hắc ín được kéo vào cảng Texas và chuyển đến các nhà máy lọc dầu của Valero.
Các lô hàng vẫn tiếp tục đến Valero, ExxonMobil và nhiều công ty khác. Julie King, Giám đốc truyền thông của ExxonMobil, cho biết các thùng dầu giao vào tháng 7 có nguồn gốc từ Kazakhstan và không bị trừng phạt.
Adam Gattuso, người phát ngôn của Monroe Energy, khẳng định công ty không nhận thêm bất kỳ nhiên liệu nào của Nga. Nhà xuất khẩu nhiên liệu Hà Lan Vitol cho biết tất cả chuyến hàng dầu khí kể từ ngày 22/4 đều đến từ Kazakhstan.
Kazakhstan là quốc gia không giáp biển, do đó dầu khí bắt buộc phải được vận chuyển thông qua hệ thống đường sắt và cảng của Nga. Chi phí cơ sở hạ tầng và neo đậu mang lại cho Nga lợi nhuận khoảng 10 triệu USD mỗi năm.