Theo báo cáo mới đây của Cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong quý I/2023 cơ quan này đã kiểm tra 714 vụ, trong đó xử lý 684 vụ vi phạm hành chính về hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ... với tổng giá trị phạt gần 12,7 tỷ đồng. Tổng trị giá hàng hóa vi phạm nói chung hơn 22,45 tỷ đồng.
Đáng chú ý, số lượng cửa hàng bị kiểm tra tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 156,83%. Tỷ lệ cửa hàng vi phạm trên tổng số lượng cửa hàng bị kiểm tra lên đến 95%.
Cục QLTT cho hay trong số 684 vụ, có 13 vụ vi phạm nghiêm trọng, nhiều hàng hóa buộc phải tiêu hủy toàn bộ. Điển hình, tại hộ kinh doanh địa chỉ số 17 Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình đang kinh doanh 874 đơn vị sản phẩm là thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm không hóa đơn chứng từ. Sau khi kiểm tra, cơ sở kinh doanh này bị phạt tiền 95 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm.
Hay tại hộ kinh doanh Kim Long ở quận 5 và một hộ kinh doanh khác tại quận Tân Bình đã trữ bán lần lượt 3.103 hộp thuốc tân dược và 874 đơn vị sản phẩm thực phẩm chức năng không hóa đơn chứng từ.
Ngoài ra, QLTT đã đẩy mạnh kiểm tra tại các trung tâm thương mại, tuyến đường phố lớn và xử lý 167 vụ vi phạm. Qua đó, tạm giữ 35.538 đơn vị sản phẩm quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách, ví, hàng điện tử giả nhãn hiệu Honda, Adidas, Nike, Chanel, Valentino, Versace... với tổng giá trị vi phạm ước tính hơn 1,5 tỷ đồng. Trong đó, nhà chức trách đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 3 vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
Đối với hoạt động phối hợp liên ngành, cơ quan quản lý các bên đã kiểm tra 7.586 vụ, có 34 vụ vi phạm. Đơn cử, cơ quan quản lý đã kiểm tra và phát hiện nhiều hành vi trốn kiểm dịch sản phẩm động vật, gia súc, gia cầm. Trong đó, nhà chức trách đã tiêu hủy 400 kg thịt gà đông lạnh, 123 con gà, vịt sống.
Đối với vệ sinh an toàn thực phẩm, đơn vị này xử lý 10 vụ vi phạm, trong tổng số 164 vụ bị kiểm tra, về hành vi sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổng số tiền xử phạt là 47 triệu đồng và buộc tiêu hủy 33 kg thịt heo.
Cùng với đó, lực lượng QLTT tại TP.HCM cũng thường xuyên kiểm tra, phát hiện các trường hợp vi phạm xuất xứ hàng hóa trong nhiều lĩnh vực, ngành hàng như thời trang, phụ tùng xe, thực phẩm, đường cát, gas...