Ban Quản lý dự án Hàng hải vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng công trình đê chắn sóng cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh giai đoạn 2, bao gồm hệ thống đê chắn sóng giai đoạn 2 và cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Vũng Áng cho tàu đến 50.000DWT.
Dự án bao gồm 2 hạng mục chính là: Hạng mục kéo dài tuyến đê chắn sóng hiện hữu (dài 260 m) ra thêm 300m nhằm đảm bảo che chắn giảm sóng cũng như khai thác cho các cảng trong khu bến Vũng Áng (bến 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8); Hạng mục nạo vét tuyến luồng hàng hải Vũng Áng từ đầu tuyến cho đến hết vũng quay tàu cảng Vũng Áng cho tàu 50.000 DWT đầy tải.
Ban quản lý dự án Hàng hải cho biết, khu bến Vũng Áng có vùng hấp dẫn chính là tỉnh Hà Tĩnh, một phần tỉnh Quảng Bình, khu vực Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và các vùng lân cận, việc đầu tư hệ thống đê chắn sóng giai đoạn 2 và cải tạo, nâng cấp tuyến luồng hàng hải Vũng Áng cho tàu đến 50.000 DWT sẽ tạo tiền đề vững chắc về cơ sở hạ tầng, thu hút được thêm các hãng tàu lớn, các tuyến vận tải quốc tế cũng như các nhà đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng.
Đặc biệt, khu bến Vũng Áng có vị trí địa lý thuận lợi nằm trong Khu kinh tế Vũng Áng hiện đang có rất nhiều dự án được đầu tư, nằm trên hành lang của các tuyến hàng hải quốc tế, cùng với độ sâu tự nhiên lớn nên rất thuận lợi trong việc hình thành các bến cảng nước sâu lớn của khu vực.
Hiện tại, các dự án bến 3, 4 cũng đang được hoàn thiện và sắp đi vào hoạt động, bến 5, 6 đang được đẩy nhanh triển khai xây dựng thì việc đảm bảo điều kiện độ sâu luồng cho các tàu có trọng tải lớn ra/vào làm hàng thuận tiện cũng như đảm bảo điều kiện độ tĩnh lặng trong khai thác cho các bến này là thật sự cần thiết.
Việc đầu tư hệ thống đê chắn sóng và cải tạo, nâng cấp tuyến luồng hàng hải Vũng Áng cho tàu đến 50.000 DWT sẽ làm giảm thiểu tối đa thiệt hại của cảng do phải ngừng khai thác, tăng cường an toàn trong khai thác cảng tại các bến 1, 2 hiện hữu, đảm bảo yêu cầu về độ tĩnh lặng khu nước trong khai thác cho các bến 3, 4, 5, 6 đang đầu tư xây dựng và các bến 7, 8 trong tương lai.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án này là 937 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước với thời gian thực hiện là từ năm 2024 đến năm 2025.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, đến năm 2030, hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ được phát triển với năng lực thông qua đạt từ 1.140-1.423 triệu tấn hàng hóa (trong đó hàng container từ 38-47 triệu TEU), hành khách từ 10,1-10,3 triệu lượt khách. Tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng biển Việt Nam sẽ được phát triển đồng bộ, hiện đại ngang tầm khu vực và thế giới.
Để đạt mục tiêu này, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 313.000 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa), huy động chủ yếu từ nguồn ngoài ngân sách, vốn doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước tập trung cho hạ tầng hàng hải công cộng; khu vực trọng điểm, tạo sức lan tỏa và thu hút đầu tư.
Vì vậy, ngoài nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải luôn chú trọng vấn đề thu hút vốn với những chính sách mở về đầu tư cho cảng biển Việt Nam, chính sách mở này đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư cảng biển, nhà đầu tư là các nhà khai thác cảng chuyên nghiệp, các hãng tàu lớn của thế giới tham gia đầu tư xây dựng và vận hành khai thác cảng.