Chính phủ Nhật đang đối mặt sức ép ngày càng lớn về giảm bớt chi tiêu sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đưa ra quyết định chấm dứt lãi suất âm vào tuần vừa rồi. Môi trường lãi suất cao hơn có thể sẽ khiến số tiền lãi mà Tokyo phải trả cho chủ nợ trái phiếu tăng gấp 3 lần trong vòng 1 thập kỷ tới - theo tin từ tờ báo Nikkei Asia.
Dẫn một ước tính của Văn phòng Nội các Nhật Bản, Nikkei cho biết lãi suất dài hạn danh nghĩa của nước này sẽ tăng lên mức 1,5% trong năm tài khoá 2028, từ mức 0,6% trong tài khoá 2023, trong trường hợp nền kinh tế nước này đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Lãi suất tăng như vậy sẽ khiến số tiền lãi trái phiếu mà Chính phủ Nhật Bản phải trả hàng năm tăng khoảng 50% lên 11,5 nghìn tỷ yên, tương đương 76,2 tỷ USD, từ mức 7,6 nghìn tỷ yên vào năm 2023.
Cũng trong kịch bản này, lãi suất dài hạn sẽ tăng lên mức 3,4% vào tài khoá 2033, khiến số tiền lãi trái phiếu phải trả hàng năm tăng lên 22,6 nghìn tỷ yên, lớn gấp khoảng 3 lần so với mức của năm 2023.
Trái phiếu chính phủ đáo hạn chủ yếu được chi trả bằng tiền từ phát hành trái phiếu mới. Lãi suất tăng lên đồng nghĩa với trái phiếu mới được phát hành phải trả lãi cao hơn. Do gánh nặng lãi vay tăng, khả năng của Chính phủ Nhật Bản trong việc đầu tư cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai bị giảm bớt.
Việc đảm bảo đầu ra cho trái phiếu cũng là một mối lo không nhỏ.
Trong tài khoá 2022, BOJ đã chi hơn 130 tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản. Lượng mua trái phiếu chính phủ của BOJ có thể giảm xuống trong thời gian tới, vì cơ quan này đã chấm dứt chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC). Trong chính sách YCC, BOJ mua mạnh trái phiếu chính phủ Nhật Bản nhằm giữ lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm quanh ngưỡng 0%.
Theo dữ liệu của BOJ, vào thời điểm cuối tháng 9 năm ngoái, BOJ nắm lượng trái phiếu chính phủ Nhật Bản trị giá 574 nghìn tỷ yên. Lượng trái phiếu này chiếm 53,9% tổng dư nợ trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản không bao gồm tín phiếu.
Nhà đầu tư tổ chức Nhật Bản, như các ngân hàng và các công ty bảo hiểm trong nước, nắm 29,9% dư nợ trái phiếu chính phủ nước này. Cách đây 1 thập kỷ, tỷ trọng của nhóm này trong dư nợ trái phiếu chính phủ Nhật Bản là hơn 60%, nhưng con số đã giảm xuống kể từ khi BOJ triển khai chính sách nới lỏng định lượng (QE) để bơm tiền vào nền kinh tế nhằm vực dậy tăng trưởng và lạm phát.
BOJ đã phát tín hiệu trước mắt sẽ tiếp tục mua trái phiếu chính phủ, đồng nghĩa rằng trong ngắn hạn, sự dư thừa nguồn cung trái phiếu chính phủ Nhật Bản là khó xảy ra. Tuy nhiên, vào hôm thứ Tư tuần trước, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda nói rằng BOJ sẽ xem xét việc giảm quy mô bảng cân đối kế toán trong tương lai. Điều này có nghĩa là BOJ sẽ cân nhắc dừng việc mua trái phiếu chính phủ hoặc thậm chí bán bớt lượng nắm giữ.
Theo chiến lược gia Chotaro Morita của công ty quản lý tài sản All Nippon Asset Management nhận định BOJ “có thể cắt giảm việc mua lãi suất trước khi tiến hành một đợt tăng lãi suất nữa”.
“Câu hỏi lớn đặt ra bây giờ là ai sẽ mua trái phiếu chính phủ Nhật một khi BOJ bắt đầu cắt giảm việc nắm giữ tài sản này”, một quan chức Bộ Tài chính Nhật nói với Nikkei.
“Các nhà đầu tư tổ chức trong nước có thể quay lưng với trái phiếu chính phủ” khi lãi suất trở lại ngưỡng dương - một vị quan chức khác bày tỏ lo ngại.