Trầy trật 'thuần hóa' rau dại trên đất nhiễm mặn
‘Mình chỉ là nông dân bình thường nhưng luôn muốn làm điều mới mẻ, thú vị’ - đó là tâm sự của anh Trần Văn Quân (SN 1984) ở thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An . Và việc anh thuần hóa được rau nhót nhiễm mặn đã thành chuyện lạ lan truyền...
Rau nhót thường mọc hoang trên các đầm lầy, hồ tôm, ven theo các cánh đồng muối ở huyện Quỳnh Lưu , lá và thân có nhiều nét giống cây hoa mười giờ. Người dân nơi đây đã sử dụng loại rau này làm món ăn trong bữa cơm hàng ngày.
Anh Trần Văn Quân kể, với những đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ làng muối như chúng tôi, rau nhót gắn bó với cả tuổi thơ nhọc nhằn. Đây là loài rau dễ ăn, dễ chế biến, loài rau này thường có nhiều từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Những cọng rau nhót khi hái về được nhặt sạch lá cỏ, gốc già, đem ngâm trong nước lạnh vài giờ cho bớt đi vị chát mặn của nước muối, sau đó đem luộc lên. Rau nhót luộc vừa chín tới thì đổ ra rổ cho nhanh nguội, vắt sơ qua để ráo nước.
Lạc rang xát vỏ giã dập, cà rốt cạo vỏ bào sợi, lá chanh thái chỉ, ớt cay bỏ hạt giã dập băm nhỏ. Trộn đều rau với lạc, cà rốt, lá chanh, ớt, nước cốt chanh, chút đường, bột ngọt, hoặc muối nếu cần. Nộm rau nhót có vị chua cay mặn ngọt hài hòa, phảng phất mùi thơm lá chanh, béo bùi của lạc rang, mát giòn của cà rốt và đặc biệt là hương vị thanh mát, rào rạo, sừn sựt đặc trưng của rau nhót.
Tuy nhiên, từ khi rau nhót trở thành đặc sản. Thương lái nhiều nơi tìm mua, nhiều nhà hàng, khách sạn, nhiều nhất là phía Nam hỏi mua rất nhiều, nhưng vì là mọc tự nhiên nên năng suất không cao. Ở Nghệ An cũng đã có nhiều mô hình thử nghiệm trồng thử rau nhót, nhưng kết quả không mấy khả quan.
Anh nông dân trẻ Trần Văn Quân đã quyết phải thuần hóa bằng được rau nhót - loài rau tưởng chừng không thể thuần hoá.
Anh cho biết: "Ban đầu làm, ai cũng khuyên can, đến cả vợ mình cũng không ủng hộ. Cũng thất bại nhiều lần, nhưng dần dà thấy có vẻ ổn, rau cũng lên xanh, nên quyết tâm làm luôn". Nói dễ nhưng thật sự quá trình thuần hoá rau nhót của anh cũng không đơn giản.
Anh Quân kể, 5 năm trước khi có ý nghĩ mang rau dại về thuần hoá, tự mày mò, đo thử độ PH trong đất thì thấy khá thích hợp với cây rau nhót. Cánh đồng Doi rộng hơn 1ha ở phường Mai Hùng (thị xã Hoàng Mai) lâu nay hoang hoá, cỏ mọc cao quá đầu gối, bởi trước đó người dân đã trồng thử đậu, lạc nhưng cây cằn, chết yểu, năng suất thấp. Anh Quân “đánh liều” gom lại 1ha đất của bà con để thực hiện ý tưởng của mình.
"Nghĩ cũng thấy mình liều, thời điểm đó trong tay không có gì, 500 triệu tiền vốn đều đi vay mượn. Từ năm 2018 là bắt đầu trồng nhưng cũng 4-5 lần thất bại. Vì ban đầu chưa có kinh nghiệm, chưa sử dụng đúng nguồn nước tưới, có lúc mưa ngập úng… trầy trật mãi sau 2 năm mới thuần hoá được hoàn toàn...".
Mày mò thử mãi, bí quyết của anh Quân là phải đến khi hiểu được đặc tính của rau, đây là loài rau ưa mặn, đất phải nhiễm mặn, nước tưới cũng phải có vị mặn…
Sau mấy đợt trồng thử nghiệm thất bại rồi cũng thành công, mô hình trồng rau nhót đã vang tiếng xa gần. Có những người từ huyện khác, tỉnh khác đến xem đều công nhận là độc nhất vô nhị ở Nghệ An. Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An cũng đã về đây, họ hướng dẫn ủ phân vi sinh để bón cho rau đỡ sâu bệnh.
Anh Quân chia sẻ: “Đây là loài rau khá khó tính, mình lại là người đầu tiên thử nghiệm với số lượng lớn, chưa học được kinh nghiệm của ai, kể cả trên mạng hay ngoài thực tế, mày mò mãi cuối cùng cũng thành công”.
Hướng mở từ mô hình nông nghiệp mặn
Với hơn 1ha đất trồng rau nhót, sinh kế bây giờ không còn là điều băn khoăn với nông dân Trần Văn Quân. Nhưng như thế vẫn chưa thỏa mãn khát khao làm điều gì đó mới mẻ của thanh niên này.
Anh Quân hào hứng, sắp tới anh sẽ nhân rộng mô hình này, nhưng trước tiên phải đăng ký bảo hộ thương hiệu rồi mới chuyển giao cũng như nhân rộng thêm. Mong muốn trước mắt là phải làm được nhà xưởng với quy trình chế biến sâu, thành bột rau nhót, trà rau nhót, bánh rau nhót… làm sẵn hút chân không để đến tay khách hàng là có thể chế biến luôn. Cuối năm nay hay chỉ đầu năm sau mình sẽ đăng ký sản phẩm OCOP của tỉnh.
Dự định sắp tới của Quân là mở rộng diện tích rau nhót lên 5ha tại các vùng đất nhiễm mặn ở Hoàng Mai, Quỳnh Lưu... Đồng thời, cung ứng giống cho các địa phương khác trong cả nước.
Có tận mắt nhìn thấy ruộng rau nhót của anh Quân mới hiểu sức lao động, sáng tạo của người nông dân này. Theo lời Quân, cứ tháng 9 âm lịch xuống giống, sau 3 tháng có thu hoạch. Thay vì chỉ cho thu hoạch trong tiết lập xuân, nắng nóng là cây cằn, già như cây rau nhót dại thì sau khi thuần hóa, rau nhót trồng thâm canh cho thu hoạch quanh năm (khoảng 10 tháng). Đều đặn 3-5 ngày cho thu hoạch 1 lứa, mỗi lứa 3-5 tạ/sào. Trồng theo phương thức gối vụ nên ngày nào cũng có thu hoạch để bán rau ra thị trường.
Rau nhót giờ đây không chỉ là món quê dân dã mà đã thành một đặc sản ở các nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch nổi tiếng. Do đó, thị trường tiêu thụ khá rộng mở. Hiện, ngoài thị trường nội tỉnh, rau nhót đã được xuất bán ra các tỉnh phía Bắc, các khu du lịch biển ở Phú Quốc (Kiên Giang), Cà Mau… Giá rau nhót ở thời điểm hiện tại dao động từ 15.000 - 25.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi năm đem về nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho một số lao động địa phương.
Mô hình trồng rau nhót trên đất nhiễm mặn của Trần Văn Quân đang được xem là một trong những giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu .
Trong khi khí hậu ngày càng khắc nghiệt thì việc đưa cây rau nhót vào thâm canh trên đồng đất nhiễm mặn, sử dụng nước mặn và phụ phẩm nuôi trồng chế biến hải sản để bón, tưới được xem là giải pháp thích nghi với biến đổi khí hậu, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế ở các địa phương khi hiện nay, diện tích sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, trong đó tập trung tại các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai... Dự báo, những năm tới, tình hình xâm nhập mặn sẽ ngày càng gia tăng cả về diện tích và độ mặn.
Chia sẻ về mô hình thuần hoá rau ngập mặn của Trần Văn Quân, ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN Nghệ An cho hay, hướng phát triển cây rau nhót nói riêng và cây rau chịu mặn nói chung giúp bà con đạt được mục tiêu kép, đó là phát triển kinh tế ở địa phương và thích ứng với biến đối khí hậu, đặc biệt ở những địa phương chịu tác động của mặn hóa đất canh tác.