Tập đoàn Gelex vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với con số doanh số cao kỷ lục 32.090 tỷ đồng, tăng 12% so với năm liền trước nhưng chỉ đạt 89% kế hoạch đặt ra.
Lợi nhuận gộp thậm chí còn tăng trưởng 48% lên mức 6.458 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp cũng tăng lên mức 20% so với 15% cùng kỳ năm trước.
Theo cơ cấu, ngành thiết bị điện vẫn đóng góp doanh số lớn nhất với khoảng 15.865 tỷ đồng, tiếp đến là mảng vật liệu xây dựng mang về 9.573 tỷ đồng, mảng khu công nghiệp thu 3.776 tỷ, năng lượng và nước sạch thu 1.545 tỷ, bất động sản có 1.065 tỷ đồng và còn lại đến từ mảng khác.
Phần lớn doanh thu các mảng có mức tăng trưởng 34-76% so với cùng kỳ, ngoại trừ lĩnh vực thiết bị điện sụt giảm do nhu cầu thị trường và ảnh hưởng của việc di dời nhà máy Thibidi, CFT đầu năm.
Tuy nhiên, công ty phải gánh khoản chi phí tài chính tăng mạnh 44% lên 2.266 tỷ và khoảng 2.942 tỷ đồng các chi phí hoạt động. Do vậy, lợi nhuận sau thuế thu về chỉ còn 2.093 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ và đạt 80% kế hoạch năm.
Tập đoàn này cho biết kết quả tăng trưởng trên đã chịu ảnh hưởng từ biến động của kinh tế vĩ mô, một số nhóm ngành bị ảnh hưởng từ nhu cầu thị trường, các dự án điện gió bị ảnh hưởng dẫn đến sản lượng thấp hơn dự kiến...
Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản Gelex ghi nhận quy mô hơn 52.400 tỷ đồng, giảm 14% so với 2021, chủ yếu giảm tài sản ngắn hạn do doanh nghiệp giảm tích trữ hàng tồn kho, giảm phải thu ngắn hạn và giảm các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.
Tập đoàn này còn lý giải đã chủ động giảm nợ vay trong hệ thống để giảm chi phí và áp lực tài chính, nhằm đối phó với diễn biến bất thường của thị trường tài chính, theo đó cơ cấu tài sản và nguồn vốn đã cân bằng hơn.
Tổng nợ vay tài chính đến cuối năm còn 16.842 tỷ đồng, tức giảm số dư khoảng 5.280 tỷ trong một năm và còn tương đương với 32% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu đạt trên 21.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng nguồn vốn doanh nghiệp.