Công nghệ

Gen Z khó chịu khi dùng song song Facebook và Instagram

Cách thiết kế giao diện của Instagram khiến nhiều người vô tình chấp nhận đăng chéo bài viết lên Facebook dù không muốn điều này.

Qu’ana Underwood tham gia Facebook từ hơn 10 năm trước, khi cô học cấp 2 tại Philadelphia (Mỹ). Tuy nhiên khi những mạng xã hội khác xuất hiện, Facebook không còn được Underwood ưu tiên.

Khi đăng ảnh trường đại học lên Instagram vào tháng 3/2022, Underwood bất ngờ nhận hàng loạt thông báo Facebook từ bạn bè, người thân mà cô ít liên lạc. Lý do đến từ bức ảnh đăng lên Instagram cũng xuất hiện trên Facebook của Underwood, khiến người khác nhìn thấy và bình luận.

"Chuyện gì đang xảy ra vậy?", Underwood (22 tuổi, chuyên gia về sức khỏe hành vi tại Nashville), tự hỏi. Cô thừa nhận bối rối khi thấy mọi bài đăng và story của Instagram xuất hiện trên Facebook, dù không nhớ lần cuối bản thân đăng bài ở nền tảng này là khi nào.

Ý đồ của Meta

Tương tự Underwood, nhiều người trẻ cũng phát hiện hoạt động bất thường của họ trên Facebook dù không bật app.

Chia sẻ với New York Times, một số người bị sốc khi nhận lời thăm hỏi từ những người bạn đã lãng quên trên Facebook. Họ không hiểu tại sao bài viết Instagram lại xuất hiện lên nền tảng cũ hơn.

Lý do của hiện tượng này bắt nguồn từ tính năng mới của Meta. Năm 2022, công ty giới thiệu hộp thoại khi đăng ảnh hoặc story lên Instagram, hỏi người dùng có muốn chia sẻ bài viết ở Facebook hay không.

Để tắt hộp thoại, người dùng cần trả lời có hoặc không. Tuy nhiên, nút đồng ý được thiết kế quá lớn với màu xanh dương, khiến những người như Underwood nhấn theo thói quen và nhanh chóng lãng quên. Để tắt tính năng này, họ phải thao tác nhiều bước trong phần cài đặt của Instagram.

Qu’ana Underwood. Ảnh: New York Times.

Những năm gần đây, Meta lo ngại để mất người dùng trẻ vào tay các đối thủ như TikTok và Snapchat, một phần bởi họ là đối tượng được nhiều nhà quảng cáo nhắm đến.

Khi ra mắt năm 2004, Facebook nhắm vào đối tượng sinh viên đại học. Giờ đây, mạng xã hội lớn nhất thế giới phải đối mặt tình trạng tỷ lệ người dùng lớn tuổi ngày càng cao.

Theo số liệu của Data.ai, trong năm 2022, 17% người dùng Facebook ở độ tuổi 18-24, còn tỷ lệ người dùng lớn hơn 45 tuổi là hơn 44%. Ngược lại, 28% người dùng Instagram trong khoảng 18-24 tuổi, và 33% trên 45 tuổi. Trong khi đó, lượng người dùng 18-24 tuổi của Snapchat và TikTok lần lượt 39% và 30%.

Níu kéo người dùng trẻ

Để thu hút người dùng trẻ, Facebook và Instagram đã bổ sung nhiều tính năng như Stories, cho phép đăng ảnh/video biến mất sau 24 giờ giống Snapchat. Các nền tảng này cũng ra mắt Reels, tính năng giống TikTok để chia sẻ video ngắn.

Năm ngoái, các kỹ sư Instagram được Meta yêu cầu tìm cách khuyến khích nhiều người chia sẻ bài viết từ Instagram lên Facebook. Đó là lý do dẫn đến hộp thoại mới, được thiết kế để người dùng chia sẻ vĩnh viễn bài đăng lên Facebook. Một kỹ sư cho biết đã cố ý đặt nút chấp nhận tại vị trí ngón tay cái thường chạm vào màn hình.

Hộp thoại đề xuất đăng chéo bài viết từ Instagram lên Facebook. Ảnh: CNET.

Meta từ chối bình luận về thông tin này. Đại diện công ty cho biết không phải tất cả người dùng Instagram nhận được hộp thoại, nhưng thừa nhận một số người phải từ chối nhiều lần trước khi hộp thoại biến mất hoàn toàn.

Đại diện của Meta nói thêm sự cố vào năm ngoái khiến hộp thoại xuất hiện mỗi lần đăng bài trên Instagram.

"Chúng tôi biết mọi người thích đăng chéo nội dung nhằm dễ dàng chia sẻ với bạn bè và người theo dõi họ", phát ngôn viên của Meta cho biết.

Tony Hu, giảng viên thiết kế sản phẩm tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cho biết các công ty công nghệ luôn khuyến khích người dùng ở lại dịch vụ của họ bằng cách điều chỉnh sản phẩm.

Một trong số đó là hộp thoại xin quyền thu thập cookie trên website, hoặc tính năng mua hàng với một cú nhấn của Amazon.

Với trường hợp của Meta, ông Hu cho rằng công ty "đang thúc giục mọi người chia sẻ để cải thiện lượt xem và doanh thu quảng cáo".

"Facebook đang trở thành nền tảng cho người già"

Vô tình chia sẻ bài viết từ Instagram lên Facebook khiến một số người khó chịu, phải tức tốc tìm cách xóa bài.

Ashley LaBossiere (28 tuổi, quản lý truyền thông số tại Georgia) từng vội vàng xóa bài đăng về những người mẹ mắc chứng ái kỷ (narcissistic mother). Bài viết được đăng ở Instagram nhưng cũng vô tình xuất hiện trên Facebook.

Tự nhận rành về công nghệ, nhưng LaBossiere không thể nhớ đã tắt tính năng này bao nhiêu lần. "Tôi còn không biết mình đang làm gì. Đôi lúc tôi cảm giác mình đã 100 tuổi", cô cho biết.

Mia Bramel (23 tuổi, kỹ sư phần mềm tại California) đã cố tình tách riêng tài khoản Instagram và Facebook chỉ để không phạm sai lầm.

Trên Instagram, Bramel thường chia sẻ ảnh phong cảnh và video chơi piano. Trong khi đó, những cập nhật trong cuộc sống như tốt nghiệp đại học được cô đăng lên Facebook.

"Tôi cảm thấy luôn kiểm soát mọi người đang xem nội dung gì. Tôi thấy những bài viết trên Instagram thực sự dành cho người theo dõi tôi. Nếu xuất hiện ở Facebook, chúng mang đến cảm giác khá kỳ lạ", Bramel chia sẻ.

Loren Cantor. Ảnh: New York Times.

Giờ đây, một bức ảnh selfie hoặc thiên nhiên trên Instagram đôi lúc cũng đăng chéo lên Facebook. Theo Bramel, điều đó khiến cô khó kiểm soát sự xuất hiện của bản thân trên mạng xã hội.

Khác với Bramel, những người như Loren Cantor (22 tuổi, sinh viên, nhạc sĩ tại Montreal) chấp nhận đăng chéo bài viết giữa 2 nền tảng. Anh cho rằng tính năng mới là "món quà bất ngờ" khi giúp bản thân giữ liên lạc với gia đình.

Cantor tạo tài khoản Facebook từ năm 2011, những người kết bạn chủ yếu là thành viên gia đình. Đến năm 2013, anh tham gia Instagram với người theo dõi là bạn bè, đồng nghiệp.

Từ khi chấp nhận đăng chéo bài viết, Cantor nhận được nhiều lời hỏi thăm từ bà và dì. Dù vậy, anh cho rằng việc người dùng lớn tuổi ngày càng nhiều đang là vấn đề lớn của Facebook.

"Facebook trở thành nền tảng cho gia đình với thế hệ lớn tuổi, không sử dụng những app khác. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra với Facebook", Cantor nói.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/noi-kho-khi-gen-z-vua-dung-facebook-va-instagram-post1409842.html