Rạng sáng 28/2, CEO Mark Zuckerberg xác nhận Meta đã thành lập một nhóm đặc biệt để nghiên cứu cách tích hợp các công cụ được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo (AI).
"Bằng cách tập hợp nhiều nhóm chuyên làm việc về Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) trong toàn công ty, chúng tôi đã thành lập một nhóm sản phẩm cấp cao mới ở Meta. Đội ngũ này sẽ tập trung vào việc xây dựng những trải nghiệm thú vị xung quanh công nghệ này vào tất cả sản phẩm của Meta", Zuckerberg viết trên trang Facebook cá nhân.
Người đúng đầu Meta cũng nói thêm rằng nhóm đặc biệt này sẽ xây dựng các công cụ “sáng tạo và biểu cảm” để sử dụng bên trong sản phẩm Meta.
"Trước tiên, chúng tôi sẽ tập trung vào việc xây dựng các công cụ sáng tạo và biểu cảm. Sau đó về lâu dài, nhóm sẽ hướng đến phát triển các nhân vật AI có thể giúp mọi người theo nhiều cách khác nhau. Chúng tôi đang khám phá trải nghiệm với văn bản (như trò chuyện trong WhatsApp và Messenger), hình ảnh (bộ lọc sáng tạo trên Instagram và định dạng quảng cáo), cũng như với trải nghiệm video", CEO của Meta nói về mục tiêu sắp tới của nhóm AI.
Theo Axios, nhóm AI mới sẽ được dẫn dắt bởi Ahmad Al-Dahle, phó chủ tịch phụ trách mảng AI của Meta và từng làm việc trong nhóm sản phẩm đặc biệt Apple.
Sau khi OpenAI phát hành chatbot AI ChatGPT vào tháng 11/2022 và gây ra hiệu ứng mạnh mẽ, những gã khổng lồ công nghệ như Google, Microsoft hay Facebook tham gia cuộc cạnh tranh phát triển các chatbot AI của riêng họ.
Thậm chí Google đã ban hành "mã đỏ" tới nhân viên sau khi ChatGPT ra mắt vì lo ngại nó là mối đe dọa đối với công cụ tìm kiếm. Một ngày trước khi Microsoft phát hành phiên bản Bing mới với sự hợp tác của OpenAI, Google công bố chatbot Bard, dịch vụ đàm thoại AI, đối thủ tiềm tàng của ChatGPT.
Trong khi đó, Meta ngày 24/2 cũng chính thức tham gia "cuộc đua AI" khi công bố LLaMA (Mô hình Ngôn ngữ Lớn về AI của Meta) với 65 tỷ tham số, kém ChatGPT nhưng được huấn luyện trên sử dụng 1.400 tỷ từ, gấp 5 lần mô hình của OpenAI.
Thực tế, công ty mẹ Facebook từ lâu đã sở hữu công nghệ để cạnh tranh với các chatbot như ChatGPT. Nhưng với nhiều tai tiếng và lùm xùm trong quá khứ, Meta đã phải chịu rất nhiều sức ép từ dư luận.
Thậm chí hai tuần trước khi ChatGPT xuất hiện và gây “bão” trên Internet vào tháng 11, Meta – công ty mẹ của Facebook, WhatsApp và Instagram, đã hé lộ Galactica - một chatbot được thiết kế riêng để nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày, công ty đã gặp phải rất nhiều lời phàn nàn về những sai sót của Galactica như đưa ra thông tin sai lệch và lời nói gây thù ghét. Cuối cùng họ đã phải ngừng dịch vụ chatbot này.