Facebook đang ngày càng giống Instagram về mặt cấu trúc nhân sự, trong bối cảnh Meta tiếp tục lên kế hoạch sa thải thêm nhiều nhân viên cấp quản lý, theo BI.
Facebook, 20 năm về trước được thành lập bởi Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg, đang trong quá trình hợp lý hóa hơn nữa bộ máy nhân sự, với mục tiêu đưa cấu trúc Facebook trở nên giống Instagram. Động lực một phần đến từ việc Zuckerberg đang tìm cách cắt giảm chi phí, đồng thời tuyên bố 2023 là ‘Năm hiệu quả’.
Một đợt sa thải khác dự kiến diễn ra vào tuần tới, theo đó có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 5% -10% nhân sự Meta. Những nhân viên làm việc cho mạng xã hội Facebook (với số lượng nhiều hơn bất kỳ phân khúc nào của Meta) được cho là sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất do Mark Zuckerberg ‘là phẳng’ toàn bộ. Trước đó, một đợt sa thải vào tháng 11 của tập đoàn này cũng khiến 11.000 người mất việc.
“Không có gì ngạc nhiên”, một người nhận xét về kế hoạch thay đổi cấu trúc tại Facebook, đồng thời cho biết văn hóa nội bộ đã biến đây trở thành nạn nhân của “sự phình to” quá đà.
“Vào tháng 11, sau khi Mark Zuckerberg công khai kế hoạch tái cơ cấu nhân sự, bộ phận Facebook đã tổ chức lại bộ máy để phù hợp hơn với các ưu tiên và mục tiêu chung. Động thái này không mới. Chúng tôi đã công khai kế hoạch làm phẳng cấu trúc và loại bỏ một số lớp quản lý cấp trung để vận hành thêm hiệu quả, tuy nhiên, nhiệm vụ này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện”, đại diện Meta cho biết.
Theo BI, cơ cấu tổ chức hiện tại của Facebook về cơ bản được gọi là mô hình “ma trận”. Nó được cho là có thể thúc đẩy sự cộng tác chéo trong các công ty lớn thông qua bộ phận quản lý từ, từ đó giám sát đồng thời các dự án tương tự.
Đầu tháng này, Zuckerberg khẳng định không còn muốn công ty vận hành theo hướng phân cấp quản lý. Vị CEO này cho rằng hệ thống phân cấp quản lý tinh gọn sẽ giúp Meta trở thành một nơi làm việc thú vị hơn.
“Chúng tôi đang ‘làm phẳng’ cấu trúc tổ chức, đồng thời loại bỏ một số lớp quản lý cấp trung để trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn. Chúng tôi cũng triển khai và áp dụng các công cụ AI để hỗ trợ phần lớn các kỹ sư. Vẫn sẽ còn nhiều việc có thể làm để cải thiện năng suất, tốc độ và bài toán chi phí của Meta”, Zuckerberg nói.
Cấu trúc của Instagram được cho gần giống với mô hình tổ chức Facebook nhất. Nhân viên được xếp theo lĩnh vực chuyên môn và báo cáo trực tiếp công việc với người quản lý hoặc điều hành cấp cao nhất, vì thế, giúp các quyết định được đưa ra nhanh và chính xác hơn.
Theo BI, Instagram “bớt cồng kềnh” hơn hẳn Facebook. Chỉ riêng nền tảng này đã có gần 40.000 nhân viên, trong khi số lượng nhân sự tại Instagram chỉ khoảng 20.000 người, theo dữ liệu của Linkedin.
Dẫu vậy, vẫn có cơ sở cho việc Meta tuyển dụng nhiều nhân sự vận hành Facebook. Động lực đến từ việc Instagram chỉ có khoảng 1,9 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, trong khi người dùng Facebook hàng tháng rơi vào khoảng 2,9 tỷ.
Trước đó, Meta cũng yêu cầu nhiều quản lý và Giám đốc chuyển sang làm các công việc cá nhân nhiều hơn hoặc chấp nhận bị sa thải như một cách giúp tập đoàn này vận hành hiệu quả. Đây được cho là động thái “làm phẳng nội bộ”, khiến các quản lý cấp cao chia sẻ quyền lực với cấp dưới và tập trung vào các nhiệm vụ chuyên môn hơn như nghiên cứu, thiết kế, viết code… Những ai không chấp nhận yêu cầu này sẽ phải rời công ty.
Mark Zuckerberg giải thích trong báo cáo thu nhập của công ty mới đây rằng cách vận hành nội bộ hiện vẫn còn quá chậm và cồng kềnh. Ông coi năm 2023 là “Năm hiệu quả”, đồng thời cam kết cắt giảm một số quản lý cấp trung và các dự án kém hiệu quả.
“Cộng đồng của chúng tôi tiếp tục phát triển và tôi thực sự hài lòng với sự tương tác mạnh mẽ trên các ứng dụng”, CEO Mark Zuckerberg nói. “2023 sẽ là ‘Năm hiệu quả’ và Meta sẽ tập trung vào việc trở thành một tổ chức mạnh mẽ và linh hoạt hơn”.
Tuy nhiên, động thái này lại nhận về không ít ý kiến trái chiều, nhất là từ những nhân viên bị sa thải.
“Họ đang cố ép mọi người bỏ việc. Với tình trạng như hiện nay, mọi người thường xuyên rơi vào cảnh bế tắc”, một người cho biết.
Mới đây nhất, Meta cũng tuyên bố cải tiến ứng dụng metaverse Horizon Worlds và tìm cách thu hút thêm những người dùng trẻ, cụ thể là các thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi, theo WSJ. Ứng dụng hiện cũng sẵn có cho những người dùng từ 18 tuổi trở lên, theo một bản ghi nhớ có tiêu đề “Mục tiêu và chiến lược của Horizon 2023”.
“Ngày nay, các đối thủ cạnh tranh của Meta đang làm tốt hơn nhiều việc đáp ứng nhu cầu của thế hệ trẻ. Để Horizon thành công, chúng tôi cần đảm bảo tập trung phục vụ họ trước tiên”, Phó chủ tịch Horizon Gabriel Aul nói.
Theo: BI, Bloomberg