Benjamin Nitzani là sinh viên ngành luật mới tốt nghiệp. Như nhiều Gen Z (thế hệ sinh năm 1997-2012), anh hình dung tương lai được làm việc cho thân chủ và những lý tưởng mình theo đuổi.
Tuy nhiên, thu nhập vẫn là ưu tiên hàng đầu của anh.
Lớn lên trong gia đình nhập cư, Nitzani là người đầu tiên học đại học. Ở tuổi 25, anh mắc khoản nợ sinh viên hơn 100.000 USD và hiện sống ở thành phố New York trong bối cảnh lạm phát tăng vọt.
Nitzani đã nhận việc tại một công ty luật lớn và nói rằng mình sẽ quyên góp trong khả năng cho các tổ chức từ thiện. Một công việc dịch vụ công với mức lương thấp không phải là lựa chọn phù hợp lúc này với anh.
Đối với nhiều người đi làm ở độ tuổi 20 và sinh viên mới tốt nghiệp, ý thức về sứ mệnh thường đối chọi với nhu cầu kiếm tiền, theo WSJ.
Dù trưởng thành trong thời kỳ diễn ra các phong trào xã hội mạnh mẽ, một số người đang thay đổi ưu tiên hoặc làm những công việc mà họ từng chỉ trích trước khi gia nhập lực lượng lao động.
Vì gánh nặng tài chính, nhiều Gen Z lựa chọn những công việc họ từng chỉ trích. Ảnh: WSJ.
Thỏa hiệp
Theo khảo sát hàng năm của Deloitte Global về Gen Z, được công ty xác định là những người sinh từ năm 1995, ưu tiên về tiền bạc đang trở nên rõ nét hơn.
Năm 2021, khi Deloitte thăm dò ý kiến của hơn 8.000 Gen Z, biến đổi khí hậu vẫn là lo ngại hàng đầu, đứng trước những trăn trở về thách thức tài chính. Tuy nhiên, năm nay, chi phí sinh hoạt tăng cao là nỗi lo lớn nhất trong khảo sát với gần 15.000 Gen Z.
Trong khi đó, 37% Gen Z trong cuộc thăm dò mới nhất cho biết họ đã “từ chối công việc phù hợp với giá trị đạo đức cá nhân”. Một năm trước, gần một nửa người tham gia cho biết đạo đức là yếu tố quyết định công việc và nơi làm của họ.
"Câu trả lời không phải lúc nào cũng rạch ròi. Tôi nghĩ mọi người hiểu rằng những lựa chọn này rất phức tạp”, Michele Parmelee, Phó Giám đốc điều hành Toàn cầu của Deloitte, cho biết.
Con người ở mọi thế hệ đều có những lý tưởng bị cản trở bởi thực tế. Cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã làm gián đoạn sự nghiệp của nhiều Gen X (thế hệ sinh năm 1965-1980). Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái cuối những năm 2000 đã ảnh hưởng nặng nề tới Millennials (thế hệ sinh năm 1981-1996).
Giờ đây, đại dịch và những hệ quả của nó đang thách thức Gen Z. Đây là thế hệ có nhận thức cao về công lý xã hội và các vấn đề môi trường khi chứng kiến hệ quả nặng nề trong vài năm vừa qua.
Tuy nhiên, trong cuộc thăm dò gần đây với khoảng 400 sinh viên năm cuối đại học do ResumeBuilder.com ủy quyền, 54% cho biết họ sẵn sàng làm việc cho một công ty mà họ “không đồng ý về mặt đạo đức” với mức lương khởi điểm cao.
Ngày càng nhiều người trẻ chấp nhận làm việc vì tiền bạc thay vì lý tưởng. Ảnh: The Business Journal.
Kỳ vọng và thực tế
Monica Tuñez (25 tuổi) đã chấp nhận khoản lương ít ỏi khi gia nhập một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận vài năm trước sau khi tốt nghiệp đại học.
“Tôi luôn nghĩ mình sẽ làm công việc góp phần đưa thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Tôi lớn lên trong gia đình có thu nhập thấp. Mọi người đã cố gắng giúp tôi có được ngày hôm nay. Bởi vậy, tôi luôn cảm thấy cần phải đền đáp những gì đã nhận”, cô nói.
Tuy nhiên, với mức lương ít ỏi của công việc giúp đỡ những học sinh trường công ở New York, Tuñez phải làm nghề tay trái là dạy kèm những đứa trẻ giàu có.
Cô đã rời bỏ những công việc đó vào năm 2021 và hiện kiếm đủ tiền để sống thoải mái nhờ làm chuyên gia chính sách cho một công ty lớn ở Texas (Mỹ). Nhờ kiếm được nhiều tiền hơn, cô có thể dành dụm để đi học trường luật và tự do tham gia tình nguyện ngoài giờ làm.
Sami Hossain nói rằng anh sẽ làm việc cho một tổ chức phi lợi nhuận nếu tiền bạc không phải là vấn đề. Thay vào đó, kỹ sư phần mềm 21 tuổi bắt đầu sự nghiệp của mình tại một công ty công nghệ lớn ở New York. Anh cho rằng quyết định này sẽ đem lại phương tiện để tạo ra ảnh hưởng lớn hơn. Anh cũng cần khoản tiền lương ổn định để giúp mẹ mua nhà.
Với nhiều người trẻ, đi làm mà không cần lương cao là một đặc quyền. Ảnh: Money.
Gen Z nhận thức được rằng những người có điều kiện mới có thể làm công việc giúp ích xã hội toàn thời gian với mức lương thấp.
Những cuộc bàn luận về đặc quyền và công việc vì cộng đồng thường xuyên diễn ra giữa các thành viên của nhóm Sinh viên Luật vì Trách nhiệm với Khí hậu, theo Alisa White, người đồng sáng lập.
Nhóm có chi hội tại hàng chục trường luật và yêu cầu những thành viên có điều kiện về tài chính ký cam kết từ chối làm việc cho các công ty luật đại diện cho khách hàng trong ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.
White tốt nghiệp vào năm tới và nói rằng cô sẽ giữ vững lập trường, ngay cả khi điều đó khiến cô kiếm được ít hơn khả năng. Cô đã chuẩn bị cho tương lai với mức lương khiêm tốn bằng cách trả hết nợ đại học và sống rất tiết kiệm.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lựa chọn khó khăn hơn ở phía trước.
“Đến một ngày, tôi sẽ phải tính tới chuyện có con và nhà. Điều đó đè nặng tâm trí tôi”, cô nói.