Theo Bloomberg, khi triển vọng kinh tế suy yếu, số lượng kỷ lục sinh viên mới ra trường tại Trung Quốc gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc trong độ tuổi từ 16-24 mới đây đã đạt mức kỷ lục 19,3%, cao gấp đôi so với Mỹ. Chính sách Zero-Covid cùng với đường lối cứng rắn của chính phủ đã gây khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động khu vực tư nhân, khiến cho những người lao động trẻ mất dần niềm tin và chuyển sang khu vực công.
Nếu xu hướng này tiếp tục, tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ bị ảnh hưởng.
Khối tư nhân gặp khó
Anh Xu Chaoqun (22 tuổi), sinh viên ngành nghệ thuật tại một trường đại học tầm trung, từng có định hướng làm việc trong ngành sáng tạo nội dung. Nhưng do dịch bệnh kéo dài, công cuộc tìm kiếm việc làm khó khăn hơn khiến anh chuyển hướng sang thi công chức nhà nước. “Các công ty tư nhân đang rất bất ổn vì dịch Covid”, anh Xu chia sẻ.
Trong thời buổi dịch bệnh, nhiều biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt được áp dụng khiến cho các công ty tư nhân gặp khó khăn và phải sa thải nhân viên.
Để hỗ trợ người lao động, Bắc kinh đã ban hành chính sách tăng cường tuyển dụng ở các cơ quan nhà nước khiến cho người trẻ hy vọng vào khu vực này nhiều hơn.
Các công ty tư nhân đang rất bất ổn vì dịch Covid
Anh Xu Chaoqun, 22 tuổi
Không chỉ riêng anh Xu Chaoqun, theo thống kê từ công ty tuyển dụng 51job, khoảng 39% sinh viên mới tốt nghiệp mong muốn làm trong công ty nhà nước.
Ngoài ra, kỳ vọng về mức lương khởi điểm của sinh viên Trung Quốc cũng giảm hơn 6% so với năm ngoái xuống còn 6.295 nhân dân tệ/tháng.
Giờ đây, nhiều người trẻ Trung Quốc lựa chọn "nằm yên mặc kệ sự đời", không nhận những công việc kéo dài hàng giờ để theo đuổi sự giàu có hay những thứ có được nhờ làm việc chăm chỉ.
Năm ngoái chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định khắt khe hơn để thay đổi nền kinh tế.
Các công ty công nghệ như Alibaba, Tencent dính nhiều án phạt vì những hành vi độc quyền. Các nhà phát triển địa ốc đang gặp khó khăn tài chính, còn lĩnh vực giáo dục bị cấm dạy thêm. Điều này khiến nhiều công ty tư nhân phải chấp nhận cắt giảm số lượng người lao động, mất lợi thế cạnh tranh và khó thu hút được nhân tài trẻ có tham vọng.
Tốt nghiệp một đại học ở Bắc Kinh, Hu Xiaoyue đã có định hướng và từng được thực tập tại 3 công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc, trong đó có cả Kuaishou Technology. Tuy nhiên, sau đợt dịch, Hu đã thay đổi quyết định làm tư nhân vì “lo lắng rằng mình có thể bị sa thải bất cứ lúc nào”.
Hiện nay, Hu chọn làm cho Tập đoàn Viễn Thông Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước với khối lượng công việc nhẹ nhàng hơn, và có thể dành nhiều thời gian cho bản thân hơn.
Theo ông Lu Feng, nhà kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, tổng số lao động ở khu vực nhà nước là 80 triệu người và năm nay có thể tăng thêm 2 triệu. “Nhưng so với tổng nhu cầu về việc làm, con số này là quá nhỏ. Chúng ta vẫn cần các công ty tư nhân hỗ trợ”, ông nói thêm.
Ông Chang Shu, nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết để đáp ứng nhu cầu việc làm, GPD Trung Quốc cần tăng khoảng 5% trong năm nay và triển vọng này là không chắc chắn. Ông còn cho rằng “nếu vẫn tiếp tục chính sách Zero-covid, các công ty tư nhân sẽ khó tuyển dụng thêm”.
Tuy rằng Bắc Kinh đã đưa ra chương trình hỗ trợ cho các công ty tư nhân như trợ cấp tiền lương 1.500 nhân dân tệ cho mỗi người lao động, con số này vẫn là quá nhỏ để các công ty tiếp tục tuyển dụng.
Phân bố lao động không hợp lý
Ngay cả khi Trung Quốc có thể trở lại mạnh mẽ trong nửa cuối năm nay, tỷ lệ thất nghiệp vẫn sẽ cao như vậy. Các chuyên gia cho rằng vấn đề này rất khó giải quyết vì tỷ lệ tập trung và nhu cầu của người thuê lao động phân bố không hợp lý.
Trước kia, khi không tìm được việc ở thành phố, những người lao động ở nông thôn sẽ quay về quê. Nhưng giờ đây, những người trẻ tuổi sẽ càng ở lại lâu hơn, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tại thành phố tăng lên. Giáo sư Lu Feng cho rằng chính phủ cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi khuyến khích sinh viên quay trở về quê hương.
Hơn nữa, số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm ở Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần trong 2 thập kỉ qua, cao hơn tất cả quốc gia trên thế giới. Số sinh viên Trung Quốc được theo học đại học hiện này vào khoảng 60%, tương đương với các nước phát triển.
Số lượng người trẻ chọn học nghề thấp hơn nhiều do định kiến và sự phân biệt giữa người có bằng cấp và không có bằng cấp.
Trong khi đó, những lĩnh vực khác như công nghệ thông tin luôn quá tải người lao động. Theo thống kê từ công ty tuyển dụng Zhilian, khoảng 43% người lao động muốn tìm việc trong ngành này, trong khi lĩnh vực này chỉ chiếm 16% bài đăng tuyển dụng.
Nếu tình trạng này kéo dài, dù gỡ bỏ các chính sách nghiêm ngặt của chiến lược Zero-Covid, nền kinh tế Trung Quốc vẫn khó tăng trưởng trở lại.
Chính vì vậy, chính phủ Trung Quốc có lẽ sẽ phải can thiệp và hỗ trợ để các công ty tư nhân tuyển dụng trở lại. Đồng thời, Bắc Kinh cũng cần cải cách lại giáo dục và đưa ra chính sách phân bổ việc làm nhằm giải quyết tình trạng phân bố không đồng đều trên thị trường lao động.