Theo các nhà phân tích tại CNBC, nguyên nhân khiến kim loại bạc có thể tăng giá mạnh trong năm 2023 là do nguồn cung không đủ và bạc đang có xu hướng hoạt động tốt hơn vàng trong thời kỳ lạm phát cao.
Theo các chuyên gia dự báo, kim loại này có thể đạt mức giá 30 USD/ounce trong năm nay, cao nhất trong vòng 10 năm qua kể từ tháng 2/2013.
Bà Janie Simpson - Giám đốc Điều hành của ABC Bullion - cho biết: "Trong lịch sử, bạc thường mang lại mức tăng gần 20%/năm trong thời kỳ lạm phát cao. Nhờ có khoản lợi nhuận này và mức giá rẻ hơn so với vàng, sẽ không bất ngờ khi giá bạc tăng mạnh trong năm nay, dù nó có thể phải trải qua nhiều ngưỡng kháng cự lớn".
Trước đó, vào năm 1980, giá bạc giao ngay từng đạt mức kỷ lục 49,45 USD/ounce trong bối cảnh lạm phát 13,5%. Dù vậy, vào năm 1976 tức 4 năm trước đó, giá kim loại này chỉ ở mức 4 USD/ounce khi lạm phát khoảng 5,7%.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến giá bạc tăng mạnh là do kim loại này đang thiếu nguồn cung. Theo ông Nicky Shiels - Trưởng bộ phận chiến lược tại Công ty kim loại quý MKS Pamp - trữ lượng bạc có sẵn ở New York và London đang giảm mạnh và mức giảm này còn nhiều hơn so với vàng.
Trong vòng 5 năm tới, bạc cũng dự kiến giảm hơn 100 triệu ounce khi nhu cầu công nghiệp tăng mạnh và nguồn cung khan hiếm. Được biết, kim loại này thường được sử dụng trong sản xuất ôtô, pin mặt trời, đồ trang sức và linh kiện điện tử.
"Khoảng 50% tổng lượng bạc là bạc công nghiệp và loại này luôn có nhu cầu cao", ông Shiels cho hay.
Đồng tình với ý kiến này, ông Randy Smallwood - Chủ tịch của Wheaton Precious Metals - cho biết: "Công ty chúng tôi đã đạt mức cung cấp kỷ lục vào khoảng 5-6 năm trước. Hiện tại, trữ lượng bạc trên thế giới đã giảm nhiều và trong các mỏ cũng không còn nhiều bạc đến vậy".
Theo dữ liệu từ The Silver Institute, nguồn cung bạc từ các mỏ vào năm 2022 là khoảng 843,2 triệu ounce - thấp hơn nhiều so với mức 900 triệu ounce của năm 2016. Bạc hiện tại chỉ được sản xuất như một sản phẩm phụ của các mỏ chì, kẽm, đồng hay vàng và thường không có sẵn.
Ông Smallwood cho biết: "Giá bạc tăng lên không đồng nghĩa với việc các mỏ bạc có thể tăng sản lượng, vì các mỏ vẫn sản xuất kim loại khác là chính và bạc chỉ chiếm khoảng 25%". Ông cũng khẳng định rằng kim loại quý này có thể chạm mốc 30 USD/ounce nhưng mức giá sẽ không giữ được lâu dài.
Ngoài ra, cũng có một số ý kiến tỏ ra lo ngại rằng suy thoái kinh tế có thể dẫn đến nhu cầu công nghiệp yếu hơn và đẩy giá bạc xuống thấp. Tuy nhiên, theo MKS Pamp, rủi ro lớn nhất đối với giá bạc là lạm phát giảm quá nhanh chứ không phải suy thoái kinh tế.
“Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thắt chặt chính sách lãi suất và lạm phát giảm nhanh hơn dự báo, đó sẽ là một cơn gió thổi ngược đối với bạc", chuyên gia tại MKS cho hay.