Giá đường lên cao nhất hơn một thập kỷ
Đường đang là loại nguyên liệu chứng kiến biến động lớn nhất trong thời gian gần đây. Giá đường đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ do lo ngại về nguồn cung toàn cầu khan hiếm đè nặng lên an ninh lương thực toàn cầu. Giá đường thô thế giới ghi nhận nhịp tăng "thẳng đứng" kể từ đầu tháng 4, chạm 24,34 US cent/lb vào ngày 13/4 và cũng là mức cao nhất kể từ quý 1/2012.
Tại thị trường trong nước, hưởng lợi từ giá đường thế giới tăng cao, giá nguyên liệu mía đường cũng đang tiếp nối đà tăng của thế giới. Hiện mía nguyên liệu đang dao động từ 850.000 - 1.150.000 đồng/tấn tùy thuộc khu vực.
Trước đó, Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đã đưa ra dự báo tích cực cho ngành mía đường cả nước trong niên vụ 2022-2023, khi cả diện tích sản xuất, sản lượng mía đưa vào ép và sản lượng đường được sản xuất đều tăng so với niên vụ trước đó.
Nhờ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ các nước ASEAN, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã giảm rõ rệt.
Ước tính, giá đường nhập lậu sau khi áp thuế chống bán phá giá sẽ cao hơn giá đường nội địa khoảng 15%. Do đó, mức thuế mới sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho mía đường trong nước. Giá mía được kỳ vọng tăng 50.000 - 80.000 đồng/tấn.
Triển vọng "ngọt ngào" của nhóm mía đường
Giá đường bật tăng mạnh từ đầu tháng 4 khiến các cổ phiếu đường “đứng ngồi không yên”. Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 4, SLS của Mía đường Sơn La và QNS của Đường Quảng Ngãi chứng kiến nhiều phiên tăng điểm áp đảo, thậm chí, LSS của Mía đường Lam Sơn đã “bỏ túi” chuỗi 12 phiên tăng điểm liên tiếp trước khi quay đầu giảm gần 4% trong phiên 13/4.
Tính từ đầu tháng 4, các cổ phiếu đường kể trên cũng tranh thủ tăng hàng chục %, phải kể tới QNS tăng 10% hay LSS tăng tới 18%. Đáng chú ý, SLS vẫn đang “neo” ở vùng đỉnh lịch sử 161.500 đồng/cp. Đây cũng là ngưỡng thị giá cao ngất ngưởng ở thời điểm hiện tại trên sàn chứng khoán.
Giá đường thế giới tăng vọt một phần do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu và nguồn cung không chắc chắn từ các nhà sản xuất lớn bao gồm Thái Lan và Pakistan.
Theo Chứng khoán VNDirect, giá đường toàn cầu trong 6 tháng đầu 2023 sẽ được hỗ trợ bởi sản lượng đường thấp hơn dự kiến ở Ấn Độ cùng với sản xuất đường ở châu Âu bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thời tiết bất lợi (hạn hán).
Đồng thời, nhóm phân tích lo ngại rằng giá xăng tăng cao gần đây có thể thúc đẩy các nhà máy Brazil và Ấn Độ chuyển hướng trồng mía sang sản xuất ethanol. Do đó, VNDirect dự báo giá đường Việt Nam sẽ diễn biến theo xu hướng của giá đường tế giới.
Biện pháp phòng vệ thương mại sẽ hỗ trợ giá đường trong nước trong dài hạn
Từ tháng 8/2022, Bộ Công Thương đã chính thức áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại 47,64% đối với các sản phẩm đường mía có nguồn gốc Thái Lan từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar).
VNDirect kỳ vọng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có ảnh hưởng rõ rệt hơn so với năm 2022, dẫn đến lượng đường nhập khẩu giảm trong khi tồn kho đường nhập khẩu giá rẻ năm 2022 đang giảm dần. Do đó, VND cho rằng giá đường nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm 2023. Tuy nhiên, đường nhập khẩu chiếm khoảng 70% tổng nguồn cung, đường nhập lậu vẫn sẽ gây áp lực cạnh tranh lên giá đường trong nước.
Trong báo cáo triển vọng ngành đường quý 1/2023,Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định biện pháp phòng vệ đã bắt đầu phát huy tác dụng khi tổng sản lượng đường nhập khẩu cả năm 2022 giảm 12,6% so với cùng kỳ, nguồn nhập thay thế chủ yếu từ Úc và Indonesia.
VCBS cho biết, giá thu mua mía từ nhà máy cùng với đó đó cũng hồi phục tốt về mức trung bình 1.050.000 – 1.100.000 triệu đồng/tấn do khan hiếm nguồn cung. Đây là tiền đề thúc đẩy người nông dân mở rộng vùng nguyên liệu trong các năm tới.