Theo danh sách của FIFA, những quốc gia Đông Nam Á đã sở hữu bản quyền phát sóng World Cup 2022 gồm Indonesia, Brunei, Campuchia, Malaysia, Philippines và Đông Timor. Mức giá ở mỗi nước đều khác nhau và chưa được các bên công khai.
Các quốc gia khác gồm Lào, Myanmar, Singapore, Thái Lan và Việt Nam vẫn chưa sở hữu bản quyền truyền hình World Cup 2022.
Đối tác của FIFA đã tăng giá bản quyền World Cup ở Việt Nam từ 12 triệu USD hồi năm 2018 lên 15 triệu USD (hơn 350 tỷ đồng) trong năm nay.
Liên tục tăng giá
Theo ghi nhận của Zing, bản quyền phát sóng World Cup không chỉ tăng giá ở mỗi Việt Nam. Nhiều quốc gia khác cũng từng phải trả thêm nhiều tiền để sở hữu bản quyền của giải đấu.
Vào năm 2014, Thái Lan đã phải bỏ ra 20 triệu USD để sở hữu bản quyền phát sóng World Cup. Tuy nhiên, con số đó vẫn tiếp tục tăng lên. Vào kỳ World Cup 2018, mức giá mà người Thái bỏ ra để xem 32 đội tuyển bóng đá trên thế giới so tài là 40 triệu USD - cao gấp đôi so với năm 2014.
Ở một quốc gia khác tại Đông Nam Á là Singapore, giá bản quyền cũng tăng chóng mặt. Nếu như vào năm 2014, quốc đảo sư tử chỉ bỏ ra 15 triệu USD để có được quyền phát sóng World Cup thì 4 năm sau, số tiền mà các nhà đài tại quốc gia này phải chi ra lên tới 25 triệu USD.
Tại Ấn Độ, Công ty Sony Pictures Network Ấn Độ (SPNI) đã mua bản quyền đa phương tiện của FIFA trong 5 năm với mức giá 100 triệu USD. Trong đó, giá bản quyền phát sóng World Cup 2014 và 2018 lần lượt là 40 triệu USD và 60 triệu USD - tăng 20 triệu USD sau mỗi giải đấu.
Đối với những quốc gia lớn, số tiền bản quyền còn cao hơn. Kênh CCTV của Trung Quốc đã từng chi tới 155 triệu USD để giành quyền phát sóng trực tiếp World Cup 2018. Thậm chí, cùng năm đó, kênh Fox của Mỹ còn mạnh tay chi hẳn 200 triệu USD để độc quyền khai thác giải bóng đá này trên truyền hình.
Xoay sở để hạ giá
Áp lực về tài chính là rất lớn, chính vì thế, các quốc gia luôn tìm cách để hạ tiền bản quyền.
Đối với Thái Lan, để có được 40 triệu USD mua bản quyền World Cup 2018, 9 doanh nghiệp tại quốc gia này đã cùng nhau góp vốn để mang giải đấu về phát sóng miễn phí cho toàn dân.
Tại Singapore, 3 hãng viễn thông lớn gồm Mediacorp, Singtel và StarHub đã cùng nhau góp tiền để mua bản quyền World Cup 2018. Tuy nhiên, khác với Thái Lan hay Việt Nam, họ đã chia sẻ áp lực chi phí lên phía khán giả. Người dân chỉ được xem 9 trận đấu phát miễn phí. Khán giả muốn xem trực tiếp toàn bộ 64 trận thì sẽ phải chi khoảng 84 USD cho các kênh truyền hình trả tiền.
Thậm chí, trước đó tại Singapore, vì không bằng lòng với mức giá bản quyền trên trời của FIFA đối với World Cup 2010, 2 hãng truyền thông Starhub và SingTel đã có một cuộc đàm phán kéo dài gần nửa năm trời. Người dân còn tuyên bố sẽ bỏ xem World Cup nếu FIFA không giảm giá.
Các động thái quyết liệt này đã khiến cho FIFA phải hạ tới 50% giá bản quyền. Singapore khi đó chỉ phải trả 20 triệu SGD (tương đương 14,5 triệu USD) cho việc phát sóng trực tiếp World Cup 2010.
Nhiều quốc gia thậm chí còn không phát sóng toàn bộ trận đấu tại World Cup. Trường hợp của Malaysia là một ví dụ điển hình, quốc gia này mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 với giá khoảng 10 triệu USD.
Đây là một mức giá khá thấp khi so với các nước khác nhưng đổi lại, người dân tại Malaysia chỉ được xem trực tiếp 41 trận trên tổng số 64 cuộc so tài.