Chị Dương Minh (Bắc Ninh) vừa lướt sóng lô đất dự án tại thành phố Thuận Thành, chốt chênh 400 triệu đồng. Chị Minh kể, giá của lô đất này từng được chủ cũ mua với giá 28 triệu đồng/m2. Giai đoạn đầu năm 2023, vì cần tiền gấp nên chủ giảm sâu tới gần 40% với giá chỉ còn khoảng 16 triệu đồng/m2. Chị Minh “chốt” mua và “ép giá” còn 15,5 triệu đồng/m2. Chưa đầy nửa năm sau, nhà đầu tư này sang tay với giá 22 triệu đồng/m2.
“Hiện tại giá bất động sản đang dần tăng so thời điểm cuối năm 2022, đầu năm 2023. Do tâm lý nhà đầu tư kỳ vọng vào sự hồi phục của bất động sản, vào bắt đáy. Nhiều lô đất ở khu vực Thuận Thành từng cắt lỗ 30-40%, hiện đều tăng trở lại, song chưa bằng thời điểm sốt đất đầu năm 2022. Một số nhà đầu tư ôm hàng từ giai đoạn đầu năm 2023, hiện có lời nhưng vẫn không bán. Họ kỳ vọng có thể vào đầu năm 2024, giá bất động sản lại tăng”, chị Minh chia sẻ thêm.
Anh Ngọc Trường, môi giới ở thành phố Hải Dương cũng cho biết, giá bất động sản đang bắt đầu nhích nhẹ trở lại. Đơn cử, một lô đất nằm ở dự án kề cận với khu đô thị công nghiệp Đại An từng được chào bán với giá 22 triệu đồng/m2 khi thị trường trầm lắng. Đến hiện tại, nhà đầu tư tìm mua với giá này sẽ không còn. Ở giai đoạn sốt, lô đất này có giá 29 triệu đồng/m2 mà không có hàng bán.
Báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2023 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy, tại khu vực Hà Nội, đất nền có sổ, nhà ở kinh doanh dưới 2 tỷ đồng có lượng giao dịch tăng rõ rệt, nhất là ở những vùng được đầu tư hạ tầng hay khu vực liền kề các khu công nghiệp với giá bán tăng 5% - 7% so với quý trước.
Ông Cao Minh Thành, Tổng giám đốc Mland lý giải, thị trường đang có những chuyển biến mới. Thứ nhất, lãi suất cho vay ngân hàng giảm mạnh. Nhiều nhà đầu tư còn có thể tiếp cận với gói vay từ ngân hàng này trả nợ gói vay cũ với lãi suất cao. Điều này giúp nhà đầu tư giãn áp lực khoản nợ lãi. Thứ hai, các chính sách pháp lý và động thái hỗ trợ của Nhà nước đã giúp thị trường gỡ bỏ khó khăn. Thứ ba, niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường khởi sắc.
Ông Thành cũng cho rằng, thế nên, tại một số khu vực thị trường đang ghi nhận giá bất động sản hết hiện tượng cắt lỗ. Tình trạng “quay xe” của một số chủ đất, chủ nhà xuất hiện để chờ tăng giá. Tâm lý này bắt đầu lan rộng trên thị trường.
Ngoài ra, một số nhóm nhà đầu tư khác cũng đang quyết “ôm hàng”, không chấp nhận bán ra mà đợi giá tăng. Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp xảy ra ở khu vực có thị trường hồi phục tốt. Một số nơi như tỉnh thành, thị trường vẫn còn đóng băng.
Vị này đánh giá tích cực về đà phục hồi của thị trường bất động sản. “Nhờ những chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà Nước, trong đó lãi suất đang rất thuận lợi tạo điều kiện cho thị trường việc tiếp cận nguồn vốn tốt hơn. Thị trường đang khởi sắc trở lại và bắt đầu một chu kỳ mới sẽ rõ nét hơn vào quý II hoặc quý III/2024”.
Dữ liệu nghiên cứu của VARs cũng dự báo, giá bất động sản có thể tăng trong giai đoạn tới. Trong 10 năm qua, giá địa ốc đã tăng hàng chục lần. Riêng năm 2021, giá nhà bình quân đã tăng trưởng hai chữ số, thậm chí gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Lãi suất thấp cùng với lạm phát cao kỷ lục là những yếu tố góp phần làm giá nhà tăng mạnh, nhưng cốt lõi của vấn đề là tình trạng sụt giảm nguồn cung.
Đơn vị nghiên cứu này cũng đưa ra nhận định, trong tình trạng thiếu nguồn cung như hiện nay, khả năng giá bất động sản sẽ tăng đối với các thị trường thiếu nguồn cung, đặc biệt là ở các loại hình bất động sản có nhu cầu cao, mặc dù có thể với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn trước.