Theo quan niệm dân gian, vào tháng 7 âm lịch (tháng cô hồn) không nên làm việc quan trọng như mua nhà, động thổ, về nhà mới,... vì có thể sẽ gặp những điều không may mắn. Theo đó, những năm gần đây, một số người mua lại chọn thời điểm này để xuống tiền mua bất động sản vì giá có thể sẽ rẻ vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế lại không như những gì mọi người vẫn lầm tưởng lâu nay.
Kết hôn được 5 năm, vợ chồng anh Nguyễn Tuấn (quê Nam Định) được gia đình hai bên hỗ trợ, cộng với tiền tiết kiệm có khoảng 3,5 tỷ đồng. Có số tiền đó trong tay vợ chồng anh Tuấn đã liên tục đi tìm mua một căn nhà trong ngõ trong 2 tháng nay, với hy vọng sớm chấm dứt cảnh ở trọ.
Vì không quá mê tín nên vợ chồng anh Tuấn vẫn miệt mài tìm mua nhà vào tháng 7 âm lịch. Và kỳ vọng sẽ có thể thương lượng được với chủ nhà giảm giá thêm như mọi người vẫn hay rỉ tai nhau về lợi ích của việc xuống tiền thời gian này.
“Nhiều căn nhà dù chủ liên tục rao bán gấp trong thời gian này nhưng khi thương lượng họ cũng chỉ bớt 10 - 20 triệu đồng, coi như ra lộc. Thậm chí nhiều nhà chủ không đồng ý thương lượng. Những năm trước đó vào tháng 7 âm lịch tôi không biết người mua nhà được giảm bao nhiêu, nhưng thực tế hiện nay dù thị trường trầm thì vẫn không như mọi người nói là sẽ được giảm vài trăm triệu đồng”, anh Tuấn nói.
Thực tế, trong tháng 7 âm lịch hàng năm, lượng giao dịch trên thị trường có phần trầm lắng hơn thời điểm khác. Tuy nhiên, việc giảm giá để kích cầu cũng sẽ phụ thuộc vào từng phân khúc bất động sản.
Anh Ngô Trường Giang, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội xác nhận, tháng 7 âm lịch hàng năm lượng giao dịch thường kém hơn các tháng khác. Theo đó, một số người bán sẽ giảm giá thêm cho người mua để họ sẵn sàng ra quyết định xuống tiền.
“Tuy nhiên, việc giảm giá đa phần đến từ các phân khúc bất động sản đầu tư như đất nền hoặc những nhà đầu tư quá khó khăn về tài chính. Thực tế, những phân khúc này đều đã kém thanh khoản từ trước đó và những nhà đầu tư hiện nay họ ngộp tài chính nên việc chấp nhận giảm giá thêm là có thể xảy ra.
Còn tại phân khúc nhu cầu thực như nhà trong ngõ và chung cư gần như không xảy ra hiện tượng này. Bởi lực cầu hiện này vẫn rất lớn, những chủ sở hữu họ cũng không vội vàng phải bán gấp, trừ trường hợp áp lực tài chính. Do đó, giá nhà đất trong tháng cô hồn không giảm hàng trăm triệu đồng như người mua vẫn lầm tưởng. Nếu có cũng chỉ giảm thêm 20 - 30 triệu đồng cho người xuống tiền ngay”, anh Giang nói.
Đối với người mua sản phẩm sơ cấp, anh Giang cho biết, nhiều chủ đầu tư trong thời gian này tung các chính sách bán hàng hấp dẫn hơn nhằm giữ được tốc độ thanh khoản và dòng tiền đều để tiếp tục kinh doanh.
Theo anh Giang, nhiều năm trở lại đây, nhiều người mua bất động sản đã cởi mở hơn về quan niệm tháng “cô hồn”. Do đó, thời gian này vẫn có người mua xuống tiền cọc, và chờ sang tháng 8 âm lịch sang tên.
Chia sẻ với báo chí về diễn biến của thị trường bất động sản trong tháng 7 âm lịch, ông Vũ Cương Quyết, CEO Đất xanh miền Bắc cho rằng, với sự phát triển và quy mô ngày càng lớn của thị trường bất động sản, quan niệm truyền thống về việc không nên mua nhà trong tháng 7 âm lịch đang dần nhạt nhòa.
Thực tế hiện nay tháng "cô hồn" lại là thời điểm mà nhiều dự án bất động sản thường đưa ra nhiều ưu đãi hơn so với các thời điểm khác trong năm. Các nhà đầu tư, dựa trên lợi nhuận và tiềm năng của thị trường, thường sẵn sàng "xuống tiền" vào thời điểm này để mua được các sản phẩm giá “hời”.
Ông Quyết cũng nhấn mạnh rằng trong thị trường hiện nay, việc mua bán bất động sản vẫn duy trì nhịp ổn định, và người mua cũng đã không còn đặt nặng vấn đề kiêng kị như trước.
“Việc mua nhà trong tháng 'cô hồn' không còn được coi là hạn chế như trước đây, và thị trường bất động sản đang thay đổi theo thời gian với sự thay đổi trong quan niệm và hành vi của người mua và nhà đầu tư”, ông Quyết nhấn mạnh.