Theo dữ liệu của CoinMarketCap ngày 11/11 (theo giờ Việt Nam), trong vòng 24 giờ qua, giá Bitcoin tăng vọt từ hơn 16.000 USD/đồng lên hơn 18.000 USD/đồng, rồi điều chỉnh giảm còn 17.268 USD/đồng, tăng gần 4% so với một ngày trước đó.
Hôm 10/11, giá Bitcoin đã rơi xuống 15.700 USD/đồng, đánh dấu mức thấp nhất trong 2 năm.
Ngoài Bitcoin, các đồng tiền mã hóa khác cũng đồng loạt đi lên. Tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tăng 4,07% sau một ngày lên 871 tỷ USD, tuy chưa thể lấy lại mốc 900 tỷ USD.
Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 - chứng kiến giá tăng tới 6,7% so với một ngày trước đó.
Đợt phục hồi bất ngờ
"Giai đoạn đen tối của tiền mã hóa tưởng như sẽ bắt đầu sau sự sụp đổ của FTX, nhưng báo cáo lạm phát thấp hơn dự báo đã thúc đẩy thị trường", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - bình luận với Zing.
"Báo cáo lạm phát tháng 10 là dấu hiệu tốt, cho thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang đi đúng hướng trong cuộc chiến lạm phát", ông nhận định.
Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 10/11, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ đã tăng ít hơn dự kiến. Mức tăng so với tháng trước và cùng kỳ năm trước lần lượt là 0,4% và 7,7%, thấp hơn dự báo 0,6% và 7,9% từ Dow Jones.
Các thị trường tin rằng Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong tháng 12 xuống còn 0,5 điểm phần trăm, và kết thúc chu kỳ tăng lãi suất sau cuộc họp chính sách tháng 3
Chuyên gia tài chính Edward Moya
"Các thị trường tin rằng Fed có thể giảm tốc độ tăng lãi suất trong tháng 12 xuống còn 0,5 điểm phần trăm, và kết thúc chu kỳ tăng lãi suất sau cuộc họp chính sách tháng 3", ông Moya nói thêm.
Báo cáo lạm phát tháng 10 của Mỹ là tin tốt với các tài sản rủi ro. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/11, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 1.201 điểm, tương đương 3,7% lên 33.715 điểm.
Chỉ số S&P 500 thêm 207,8 điểm, tức 5,54%, tiến sát ngưỡng 4.000 điểm. Còn chỉ số Nasdaq thiên về công nghệ nhảy vọt 7,3%.
Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo bê bối của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX vẫn đang đè nặng lên ngành công nghiệp.
"Tác động từ sự sụp đổ của FTX vẫn có khả năng lan rộng. Các nhà đầu tư vào thị trường tiền mã hóa chưa thể thở phào nhẹ nhõm. Bởi nhiều tổ chức đầu tư và công ty tiền mã hóa có liên quan tới FTX", ông Moya cảnh báo.
Bóng đen FTX bao trùm ngành công nghiệp
Ngày 10/11, phát ngôn viên của Binance xác nhận sàn giao dịch này đã từ bỏ ý định mua lại FTX, nhanh như cách họ tuyên bố "vào cuộc để giải cứu FTX".
Theo nguồn tin của Bloomberg, các lãnh đạo của Binance đã nhận ra rằng họ đang tự đẩy mình vào một "hố đen tài chính". Chênh lệch giữa nợ phải trả và tài sản của FTX có thể lên tới hàng tỷ USD, thậm chí vượt ngưỡng 6 tỷ USD.
"Sự phục hồi của thị trường tiền mã hóa có thể chững lại nếu chúng ta nghe thông tin mới về bất cứ cái tên nào bị ảnh hưởng bởi FTX, hoặc một sàn giao dịch khác rơi vào tình trạng suy giảm thanh khoản", chuyên gia Moya cảnh báo.
Hồi tháng 8, CEO FTX Bankman-Fried từng tuyên bố bỏ 1 tỷ USD để giải cứu thị trường tiền mã hóa, vốn đang chao đảo vì hàng loạt vụ vỡ nợ và phá sản của các công ty trong ngành.
Trước đó, anh cũng từng tung ra các khoản cho vay khẩn cấp trị giá hàng trăm triệu USD để giải cứu những công ty cùng ngành trước bờ vực phá sản.
Tối 10/11, Sam Bankman-Fried đã lên tiếng xin lỗi người dùng FTX và cho biết đang tìm cách khắc phục vấn đề thanh khoản của sàn giao dịch.
"Qua quá trình thẩm định, những báo cáo mới nhất liên quan tới việc xử lý sai nguồn tiền của khách hàng và các cuộc điều tra của giới chức Mỹ, chúng tôi quyết định từ bỏ thương vụ này", Binance cho biết trong tuyên bố từ bỏ thương vụ mua lại FTX.
"Với việc xử lý sai nguồn tiền của khách hàng, dường như không ai sẵn sàng ra tay để giải cứu công ty này", ông Moya nhận định.